Lý giải nguyên nhân nghèo
Tỉnh Lai Châu là địa bàn duy nhất trên cả nước, có đồng bào dân tộc Mảng sinh sống. Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh hiện có 1.110 hộ, 5.674 khẩu đồng bào dân tộc Mảng, chiếm 1,26% dân số toàn tỉnh. Đồng bào dân tộc Mảng sinh sống tại 3 huyện: Sìn Hồ, Mường Tè, Nậm Nhùn; trong đó, huyện Sìn Hồ có 32 hộ/160 nhân khẩu; huyện Mường Tè có 218 hộ/1.154 nhân khẩu, huyện Nậm Nhùn có 860 hộ/4.360 nhân khẩu.
Như vậy, so với thời điểm năm 2019, dân số dân tộc Mảng đã có sự gia tăng đáng kể. Trước đó, kết quả điều tra thu thập thông tin kinh tế - xã hội (KT – XH) 53 DTTS được Ủy ban Dân tộc và Tổng cục Thống kê thực hiện tháng 4/2019 cho thấy, dân tộc Mảng có 961 hộ, với 4.650 nhân khẩu.
Tại thời điểm tháng 4/2019, tỷ lệ nghèo của dân tộc Mảng là 76,5% (trong đó tỷ lệ hộ nghèo là 66,3%, tương ứng 637 hộ; tỷ lệ hộ cận nghèo là 10,2%, tương ứng 98 hộ). Khi áp dụng chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 – 2025 theo Nghị định số 7/2021/NĐ-CP của Chính phủ, tỷ lệ nghèo trong đồng bào dân tộc Mảng đã tăng đột biến.
Như tại huyện Mường Tè - nơi sinh sống của 218 hộ dân tộc Mảng, theo Quyết định số 1141/QĐ-UBND ngày 7/6/2022 phê duyệt kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo thời điểm tháng 6/2022 của UBND huyện Mường Tè, trên địa bàn huyện có tới 215 gia đình dân tộc Mảng là hộ nghèo, còn lại là hộ cận nghèo. Đồng bào dân tộc Mảng ở Mường Tè cư trú chủ yếu ở các xã: Bum Nưa, Vàng San và Pa Vệ Sủ. Trong tổng số 215 hộ nghèo là dân tộc Mảng ở Mường Tè thì xã Vàng San có 158 hộ (toàn xã có 395 hộ nghèo), xã Bum Nưa có 36 hộ, xã Pa Vệ Sủ có 21 hộ.
Quyết định số 1141/QĐ-UBND ngày 7/6/2022 của UBND huyện Mường Tè cũng đã phân tích khá chi tiết về nguyên nhân nghèo. Đơn cử tại xã Vàng San, nơi có số hộ nghèo dân tộc Mảng nhiều nhất huyện Mường Tè thì không có vốn sản xuất, kinh doanh, không có công cụ/phương tiện sản xuất,… là những nguyên nhân chính. Đặc biệt, đại đa số hộ nghèo được xác định là do không có kiến thức về sản xuất và không có kỹ năng lao động…
Những nguyên nhân dẫn tới tỷ lệ nghèo ở dân tộc Mảng cao cũng đã được phân tích cụ thể trong kết quả điều tra thu thập thông tin KT – XH 53 DTTS cách đây hơn 4 năm. Theo đó, lực lượng lao động người dân tộc Mảng không có trình độ chuyên môn kỹ thuật chiếm tới 96,0%; không có vốn sản xuất, kinh doanh nhưng tại thời điểm ngày 1/10/2019, chỉ có 83 hộ (chiếm tỷ lệ 8,7% tống số hộ dân tộc Mảng) có vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Cũng tại thời điểm này, bên cạnh 83 hộ đang vay thì chỉ có thêm 51 hộ có nhu cầu được tiếp cận vốn tín dụng ưu đãi.
Chất lượng dân số - Vấn đề cấp bách
Tình trạng nghèo đa chiều của dân tộc Mảng là một thách thức không hề nhỏ trong quá trình thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững của tỉnh Lai Châu nói riêng, trong lĩnh vực công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc của cả nước nói chung. Nhưng bên cạnh tỷ lệ nghèo cao thì dân tộc Mảng đã và đang đối diện nhiều vấn đề xã hội khác, trong đó cấp bách nhất là chất lượng dân số.
Cách đây hơn 4 năm, kết quả điều tra thu thập thông tin KT – XH 53 DTTS đã chỉ rõ nhiều chỉ số đáng quan ngại trong việc phát triển dân số của đồng bào dân tộc Mảng. Trong khi tuổi thọ bình quân của dân tộc Mảng chỉ đạt 61,8 tuổi (bình quân chung 53 DTTS là 70,7 tuổi) thì tỷ suất chết thô lại lên tới 9,03‰ (tỷ suất chung của 53 DTTS là 7,65‰); tỷ suất chết của trẻ em dân tộc Mảng dưới 1 tuổi là 55,65‰, cao nhất trong các DTTS (tỷ suất chung 53 DTTS là 22,13‰);…
Một trong những nguyên nhân khiến chất lượng dân số của dân tộc Mảng nằm ở mức báo động là do một số hủ tục còn tồn tại dai dẳng; nhất là tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.
Trong bài viết “Cần thay đổi hình ảnh dân tộc Mảng, La Hủ trên địa bàn tỉnh Lai Châu” đăng trên Cổng thông tin điện tử Tỉnh ủy ngày 19/12/2022, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lai Châu Lê Đức Dục cho rằng, mặc dù đã có những kết quả tích cực nhưng thực tế cho thấy, tình trạng hôn nhân cận huyết thống ở dân tộc Mảng (và La Hủ) vẫn chiếm tỷ lệ cao. Việc giao lưu với các dân tộc khác, nhất là trong quan hệ tìm hiểu của nam nữ gặp nhiều khó khăn, một mặt do tính tự ti dân tộc, do tâm lý coi thường các dân tộc này vẫn còn tồn tại, các dân tộc khác cho rằng việc kết hôn với dân tộc La Hủ, Mảng là không “môn đăng hậu đối”.
“Tình trạng bệnh tật thường xuyên xảy ra do thoái hóa nòi giống, ăn ở mất vệ sinh, thiếu dinh dưỡng, địa bàn cư trú đặc biệt khó khăn, công tác chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho người dân còn nhiều bất cập; làm suy giảm chất lượng cuộc sống, giống nòi và là rào cản cho sự phát triển KT - XH của dân tộc Mảng, La Hủ”, ông Dục khẳng định trong bài viết.
Theo Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lai Châu, đây là những vấn đề không hề mới nhưng đã tồn tại từ rất lâu trong đời sống của người Mảng, La Hủ. Vì vậy, nhiệm vụ của cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở phải chung tay vào cuộc, triển khai hiệu quả các chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc Mảng, La Hủ để từng bước thay đổi diện mạo đời sống, hình ảnh vùng đất, con người Mảng, La Hủ cũng như bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, để đồng bào Mảng, La Hủ “không bị bỏ lại phía sau”.
Ngày 10/4/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 499/QĐ-TTg phê duyệt chương trình “Bảo vệ và phát triển các DTTS rất ít người giai đoạn 2021 – 2030”. Chương trình đặt ra một số mục tiêu chính như: Giảm bình quân từ 2 - 3%/năm số cặp tảo hôn và hôn nhân cận huyết; giảm 25% tỷ số tử vong mẹ; giảm từ 2 - 5% tỷ suất chết trẻ em dưới 1 tuổi; giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng ở bà mẹ mang thai và trẻ em; tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi, nhẹ cân của trẻ em dưới 5 tuổi giảm còn dưới 20%...