Phát triển khá toàn diện
Theo kết quả điều tra thu thập thông tin kinh tế - xã hội (KT – XH) 53 DTTS gần đây nhất do Ủy ban Dân tộc và Tổng cục Thống kê thực hiện, dân tộc Bố Y của nước ta có 805 hộ, với 3.232 nhân khẩu. Đồng bào dân tộc Bố Y sinh sống chủ yếu trên địa bàn 02 tỉnh: Lào Cai và Hà Giang.
Tại thời điểm điều tra, tỷ lệ nghèo (gồm hộ nghèo và hộ cận nghèo) của dân tộc Bố Y là 31,8%, theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016 – 2020. Trong khi đó, tỷ lệ nghèo của chung của 53 DTTS là 35,5%; tỷ lệ hộ nghèo của một số dân tộc rất ít người cao gấp từ 2 đến gần 3 lần (dân tộc Mảng 76,5%; dân tộc Chứt 89,3%; dân tộc Lô Lô 68,3%; dân tộc Pà Thẻn 70,8%...).
Đồng bào dân tộc Bố Y cũng không quá thiếu hụt về các chỉ số tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản. Tại thời điểm tháng 4/2019, ngoài việc hầu hết các hộ đã có ti vi, có sử dụng điện thoại thì có 17,7% hộ dân tộc Bố Y có máy vi tính; 71,5% hộ có tủ lạnh; 41,3% hộ có máy giặt; 28,2% hộ có bình nóng lạnh; 94,7% hộ có nguồn nước hợp vệ sinh; 79,8% hộ sử dụng internet;… Các chỉ số về tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản của dân tộc Bố Y đều cao hơn mức bình quân chung của 53 DTTS và cao hơn nhiều lần so với các dân tộc rất ít người.
Sau hơn 4 năm tính từ thời điểm điều tra thu thập thông tin KT - XH 53 DTTS gần đây nhất, với nguồn lực của các chương trình, dự án – nhất là việc triển khai các chính sách trong Đề án “Hỗ trợ phát triển KT - XH các DTTS rất ít người giai đoạn 2016 – 2025” theo Quyết định số 2086/QĐ-TTg; từ năm 2022 đến nay là Chương trình MTQG phát triển KT – XH vùng đồng bào DTTS và miền núi theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg (Chương trình MQTG 1719), các cộng đồng có đông đồng bào dân tộc Bố Y sinh sống tiếp tục có những bước phát triển vượt bậc; đời sống, thu nhập của đồng được nâng lên rõ rệt.
Đơn cử như thôn Lao Chải, thị trấn Mường Khương (huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai); toàn thôn có 80 hộ dân, chủ yếu là người Bố Y. Áp dụng chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 – 2025 theo Nghị định 07/2021/NĐ-CP của Chính phủ, thôn Lao Chải chỉ còn 7 hộ nghèo, bộ mặt thôn bản ngày càng đổi mới, khang trang; nhiều hộ đồng bào ở thôn Lao Chải đã phát huy nguồn hỗ trợ của Nhà nước, vươn lên làm giàu.
Gia đình anh Lù Tỉn Phà là một ví dụ. Trước đây, được hỗ trợ để phát triển sản xuất từ chính sách theo Quyết định số 2086/QĐ-TTg, anh đã mạnh dạn đưa cây quýt về trồng ở Lao Chải để thay thế cây ngô, cây lúa. Sau gần 8 năm, gia đình anh Phà đã trở thành hộ khá ở Lao Chải; vụ quýt năm 2022, gia đình anh thu được hơn 700 triệu đồng. Hiện diện tích quýt hơn 1ha của gia đình anh đang được chăm sóc theo quy trình VietGap và bắt đầu cho thu hoạch từ tháng 11 này.
Nhận diện khó khăn đặc thù
Cũng như các DTT khác, dân tộc Bố Y có rất nhiều phong tục đẹp thể hiện đời sống tinh thần phong phú như các nghi lễ, tín ngưỡng dân gian, các điệu dân ca, dân vũ, làm trang phục dân tộc… Cùng với kinh tế phát triển thì bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào tiếp tục được phục dựng, giữ gìn và phát huy trong đời sống hiện đại.
Nhưng một trong những khó khăn cho sự phát triển đột phá của dân tộc Bố Y hiện nay là đại đa số lao động (LĐ) chủ yếu làm “Nghề đơn giản”; tỷ lệ LĐ qua đào tạo, nhất là trình độ chuyên môn kỹ thuật cao còn khá thấp. Theo kết quả điều tra thu thập thông tin KT – XH 53 DTTS, dân tộc Bố Y có 1.614 nhân khẩu từ 15 tuổi trở lên đang tham gia lực lượng LĐ thì có tới 78,4% LĐ làm “Nghề đơn giản”; chỉ có 4,9% LĐ có trình độ chuyên môn kỹ thuật bậc cao và 2,3% LĐ có trình độ chuyên môn kỹ thuật bậc trung.
Điều này khá trái ngược với kết quả phát triển giáo dục phổ thông trong cộng đồng dân tộc Bố Y. Bởi theo thống kê, tỷ lệ đi học chung của trẻ em dân tộc Bố Y ở cấp tiểu học chiếm 100,6%; tỷ lệ đi học chung của trẻ em ở cấp trung học cơ sở là 96,1%; tỷ lệ đi học chung của trẻ em ở cấp trung học phổ thông là 72,6%; tỷ lệ trẻ em ngoài trường là 7,8%.
Đặc điểm này xuất phát từ ngành nghề chủ yếu của đồng bào dân tộc Bố Y, vốn gắn bó với ruộng nương và hoạt động trồng trọt. Theo điều tra thu thập thông tin KT - XH 53 DTTS gần đây nhất, có tới 57,7% hộ dân tộc Bố Y sản xuất nông nghiệp, không có hộ nào làm dịch vụ du lịch cũng như làm nghề thủ công truyền thống.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, để phát triển bền vững, tăng giá trị trong sản xuất nông nghiệp đòi hỏi phải gia tăng hàm lượng khoa học kỹ thuật trong quá trình canh tác. Tuy nhiên, hiện có tới 80,5% LĐ người dân tộc Bố Y không có trình độ chuyên môn kỹ thuật; tỷ lệ LĐ có trình độ cao đẳng chỉ có 3,8%, trình độ đại học trở lên chỉ có 7,6%... thực sự là rào cản để các cộng đồng dân tộc Bố Y phát triển đột phá.
Bởi vậy, trong quá trình triển khai Chương trình MQTG 1719, các địa phương có đồng bào dân tộc Bố Y sinh sống, bên cạnh tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Dự án 9 thì cần quan tâm thực hiện hiệu quả Dự án 5 về “Phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực”. Trong đó cần ưu tiên triển khai Nội dung số 02 – Tiểu dự án 2 của Dự án 5 về đào tạo dự bị đại học, đại học và sau đại học; từ đó thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 52/NQ-CP ngày 15/6/2016 về đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực các DTTS giai đoạn 2016 – 2020, định hướng đến năm 2030.