Để mạch nguồn văn hóa của các DTTS tại chỗ ở Tây Nguyên được bảo tồn, gìn giữ và phát huy trong đời sống xã hội hiện đại, có vai trò vô cùng quan trọng của các nghệ nhân, già làng. Các nghệ nhân, già làng ở Tây Nguyên là hiện thân của những “đại thụ” vững chãi, những hiền nhân thông thái của rừng già...
Họ không có trong tay cây quyền trượng, nhưng họ có uy tín, có sự hiểu biết sâu sắc về phong tục, tập quán, nghi lễ. Họ như một kho báu về tri thức bản địa, kinh nghiệm sản xuất và ứng xử, là kết tinh tất cả sự cao quý và giỏi giang của một người đàn ông tài hoa trong cộng đồng…
Với vai trò là “di sản sống” trong cộng đồng, các nghệ nhân, già làng có khả năng lưu giữ và truyền tải những giá trị di sản. Họ đóng góp lớn vào việc truyền dạy bản sắc văn hóa riêng của địa phương, các điệu nhạc dân gian, những nghề thủ công, lễ hội truyền thống cho thế hệ trẻ. Từ đó khuyến khích mọi người cùng nhau bảo tồn những giá trị văn hóa tốt đẹp của địa phương mình.