Ngôi nhà sàn truyền thống của gia đình nghệ nhân Y Hiu trở thành nơi lưu giữ nhiều hiện vật văn hóa đặc sắc của người Ê Đê như chiếc kpan dài dùng để ngồi đánh chiêng, chiếc trống da trâu, chóe cổ và những bộ chiêng quý. Đây cũng là nơi nghệ nhân truyền dạy đánh cồng chiêng, chế tác nhạc cụ cho các thế hệ trẻ trong buôn.
Nghệ nhân Y Hiu bộc bạch, tuổi thơ của ông gắn liền với tiếng chiêng, điệu múa. Ngày ấy, trong buôn dù không ai tổ chức dạy đánh chiêng, nhưng thế hệ cha ông, đàn ông thì biết đánh chiêng, đàn bà biết múa và dệt thổ cẩm, trong buôn còn lưu giữ nhiều bộ chiêng cổ, quý hiếm. Mỗi khi trong buôn có lễ tục thì nhịp chiêng lại vang lên rộn rã, say đắm lòng người. Quá thích thú với tiếng chiêng, ông đã gặp các bậc già làng, người đánh chiêng giỏi xin học hỏi, đến các lễ hội để nghe các bài chiêng, quan sát các bậc tiền bối đánh chiêng rồi bắt chước. Cứ thế, đam mê cồng chiêng ăn sâu vào máu, nghệ nhân Y Hiu không chỉ đánh chiêng mà còn học chế tác chiêng tre.
Từ năm 2002, nghệ nhân Y Hiu bắt đầu tham gia dạy chiêng cho lớp trẻ buôn M’Duk. “Lúc đó, khó khăn lắm mới tổ chức được một lớp học, nhưng lại thiếu người dạy. Không muốn các cháu bị lỡ nên tôi đã liên hệ với đơn vị tổ chức để đứng lớp”, nghệ nhân Y Hiu cho hay.
Kết thúc khóa học, hầu hết học viên lớp chiêng buôn M’Duk biểu diễn thuần thục các bài chiêng cơ bản. Từ đó, ông gắn bó với “nghiệp dạy”, ông được ngành Văn hóa tỉnh Đăk Lăk mời đứng lớp ở nhiều buôn làng khắp thành phố và khu vực lân cận. 20 năm “truyền lửa” đam mê, nghệ nhân Y Hiu đã dạy cho hàng trăm học trò biết đánh chiêng, yêu văn hóa truyền thống.
Nghệ nhân Y Hiu cho biết: Truyền thống của người Ê Đê, chỉ người trưởng thành mới được sử dụng chiêng và chỉ nam giới mới được đánh chiêng, còn trẻ em và nữ giới cấm kỵ. Nhưng hiện nay, nghệ nhân biết đánh chiêng ngày càng ít đi, người biết chỉnh chiêng chỉ còn đếm trên đầu ngón tay, việc đào tạo cho thế hệ trẻ biết đánh chiêng cần được quan tâm hơn bao giờ hết. Vì vậy, dù nam hay nữ, già hay trẻ, chỉ cần yêu thích và kiên trì học ông đều sẵn sàng truyền dạy miễn phí.
Không chỉ là người diễn tấu cồng chiêng giỏi, chế tác được nhiều nhạc cụ dân tộc Ê Đê, nghệ nhân Y Hiu còn có khả năng truyền dạy cho lớp trẻ nhiều loại nhạc cụ truyền thống khác như đàn gong, đinh năm, đinh buốt… “Với tôi, niềm vui lớn nhất là gặp lại học trò của mình khi tham gia các lễ hội, hội thi, nhìn thấy sự trưởng thành của học trò trong từng tiếng chiêng để nhịp chiêng mãi ngân dài”.
Theo bà Phạm Thị Hải Bình, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP. Buôn Ma Thuột, nghệ nhân Y Hiu là một trong số rất ít người am hiểu, lưu giữ được kho tàng văn hóa truyền thống của đồng bào Ê Đê.
Năm 2006, nghệ nhân Y Hiu Niê Kđăm được Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam tặng Bằng công nhận Nghệ nhân Dân gian vì có nhiều đóng góp trong việc bảo tồn, phát triển văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Ông là nghệ nhân trẻ nhất trong số 12 nghệ nhân của tỉnh Đăk Lăk.