Trong một lần đến Trường Đại học Tây Nguyên đúng ngày hội hiến máu nhân đạo, chúng tôi thực sự phấn chấn khi xem các bạn sinh viên nam nữ người DTTS diễn tấu các bài chiêng “Đón khách”, “Đoàn tụ”, “Mừng chiến thắng” và múa xoang trong chương trình văn nghệ khai mạc. Đây là kết quả của khóa học đánh cồng chiêng tại trường, do các nghệ nhân truyền dạy.
Theo chia sẻ của đại diện Trường Đại học Tây Nguyên, lớp học có 40 học viên, gồm các dân tộc: Ê-đê, Jrai, Ba Na, M’nông, và một số sinh viên DTTS phía Bắc đang theo học tại trường. Ngoài ra, Trường cũng chọn một số thầy cô giáo là người DTTS tham gia học đánh cồng chiêng để làm lực lượng nòng cốt. Lớp học diễn ra vào một số ngày trong tuần và các ngày cuối tuần, do các nghệ nhân giàu kinh nghiệm trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột (tỉnh Đăk Lăk) và TP. Kon Tum (tỉnh Kon Tum) đến truyền dạy với những kiến thức, kỹ năng cơ bản về diễn tấu chiêng đồng, chiêng tre.
Nghệ nhân Y Nuyênh Byă, buôn Lê B, phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột, người trực tiếp truyền dạy cồng chiêng chia sẻ: Tôi rất mừng là sinh viên người DTTS đã được tiếp xúc với cồng chiêng từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Thế hệ đi trước sẽ dẫn đường cho người trẻ đi sau, tất cả cùng nhau giữ lấy cái hồn của văn hóa dân tộc mình.
Yêu thích cồng chiêng từ nhỏ, nhưng H’Tiên Hmok, sinh viên lớp Giáo dục tiểu học chỉ được nghe, xem các nghệ nhân biểu diễn chứ chưa bao giờ được cầm dùi đánh. Khi biết có lớp học đánh chiêng được tổ chức tại trường, H’Tiên Hmok liền đăng ký tham gia. “Càng học em càng yêu tiếng chiêng hơn, cảm thấy hạnh phúc vì được làm điều mà mình ao ước từ nhỏ, nhất là bản thân đã có thể góp một phần nhỏ vào việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc”, H’Tiên Hmok chia sẻ.
Nghệ nhân A Biu dân tộc Ba Na, đến từ TP. Kon Tum được mời trực tiếp đứng lớp giảng dạy cồng chiêng Ba Na, cho hay: Tôi đã truyền dạy cồng chiêng nhiều năm cho thanh, thiếu nhi các buôn làng, nhưng đây là lần đầu dạy cho sinh viên. Các em không chỉ tiếp thu nhanh mà còn có tình yêu cồng chiêng thực sự. Trong thời gian ngắn các em có thể đánh một số bài chiêng từ 3 loại chiêng gồm chiêng tre, chiêng đồng Ê-đê và chiêng đồng Ba Na. Chỉ cần các em duy trì việc diễn tấu trong các dịp lễ của trường và học hỏi thêm các nghệ nhân thì kỹ năng diễn tấu sẽ tiến bộ.
Theo ông Đặng Gia Duẩn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao Du lịch tỉnh Đăk Lăk, những năm qua, Sở cũng đã phối hợp với các địa phương tổ chức nhiều lớp truyền dạy diễn tấu cồng chiêng cho thanh, thiếu niên ở các buôn làng. Đây là lần đầu tiên Sở phối hợp tổ chức lớp truyền dạy cho đối tượng là sinh viên người DTTS tại Trường Đại học Tây Nguyên. Hoạt động truyền dạy cồng chiêng này sẽ góp phần bảo tồn không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đăk Lăk trao tặng Trường Đại học Tây Nguyên bộ chiêng Knah và 12 áo thổ cẩm, tạo điều kiện cho đội chiêng của nhà trường tổ chức tốt các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống Tây Nguyên.