Theo già làng La Chí Thái, bộ nhạc cụ trống đôi, cồng ba, chiêng năm có một vị trí, ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào các dân tộc Ba Na và Chăm H’roi ở thôn Xí Thoại nói riêng và cộng đồng người DTTS nói chung ở Phú Yên. Đây cũng là bộ nhạc cụ độc đáo bởi có sự hòa quyện âm điệu, tiết tấu của cả trống đôi, cồng ba, chiêng năm. Khi biểu diễn, âm thanh lại kết hợp với ngôn ngữ hình thể và có mặt trong mọi sinh hoạt văn hóa của đồng bào nên luôn được cộng đồng trân trọng, gìn giữ và phát huy…
Mỗi dịp lễ hội khác nhau, âm thanh của trống đôi, cồng ba, chiêng năm đều thể hiện những giá trị riêng, mang triết lý sâu sắc. Theo các chuyên gia âm nhạc dân tộc, trong bộ hòa thanh trứ danh “trống đôi, cồng ba, chiêng năm”, vai trò và tác dụng của múa trống đôi thường gây ấn tượng mạnh nhất, làm cho các cuộc hội vui đến nức lòng. Mỗi loại nhạc cụ có điệu thức riêng: chiêng năm giữ giai điệu khoan nhặt, thanh thoát, âm vang ngân xa; cồng ba giữ bè trầm sâu lắng mượt mà. Sự có mặt của trống đôi luôn làm cho người ta say hội; làm cho cuộc hòa thanh tìm được sự đồng điệu, chảy rót vào nhau, tạo cho cuộc hội đạt tới cao trào của sự hứng khởi.
Cộng đồng người Chăm H’roi, Ba Na ở Phú Yên cho rằng, đánh trống đôi là một cách nói chuyện sâu lắng nhất. Khi hai người song diễn, luôn luôn có một người nêu câu hỏi và buộc người cùng chơi phải đối đáp, tiếng trống thay cho lời, điệu múa nói lên cách ứng xử. Đồng điệu, thích nhau thì âm trống, điệu múa hòa quyện nghe rất êm tai. Còn ví như không ưa nhau thì tiếng trống nghe đốp chát, tức giận, biểu hiện coi thường bạn chơi. Do đó, nghệ nhân múa trống đôi phải là một cặp “ngang sức ngang tài” người tung, kẻ hứng, hiểu ý nhau mới giữ cho cuộc chơi trọn vẹn.
Di sản văn hóa nghệ thuật trình diễn “trống đôi, cồng ba, chiêng năm” cùng không gian văn hóa của đồng bào các dân tộc Chăm H’roi và Ba Na ở huyện Đồng Xuân (Phú Yên) là nét văn hóa độc đáo. Tuy nhiên, vấn đề hiện nay là cần phải có biện pháp bảo tồn hợp lý. Theo ông Nguyễn Hữu Từ, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân, để bảo tồn và phát triển di sản văn hóa Nghệ thuật biểu diễn trống đôi, cồng ba, chiêng năm, UBND huyện cũng đã xây dựng và ban hành đề án Phát triển văn hóa, du lịch thôn Xí Thoại và Hà Rai (xã Xuân Lãnh). Trong đó, có nhiều phần việc cơ bản đã thực hiện như: điều tra, khảo sát, tuyên truyền, vận động người dân ở đây tham gia bảo tồn văn hóa, vệ sinh môi trường; kiện toàn lại đội cồng chiêng, vận động thanh thiếu niên tham gia; khôi phục nghề dệt thổ cẩm và làm rượu ché; phục dựng hai lễ hội truyền thống, tập trung xây dựng, bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa để phát triển du lịch và ngược lại”, ông Từ cho biết.
Còn theo ông Phan Đình Phùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, nghệ thuật biểu diễn “trống đôi, cồng ba, chiêng năm” trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là niềm tự hào của Nhân dân Phú Yên nói chung và bà con đồng bào thôn Xí Thoại nói riêng. Để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa này, địa phương cần tập trung bảo tồn được chủ thể, khách thể, không gian và môi trường sống của di sản văn hóa; phải có sự kế thừa, truyền dạy liên tục cho các thế hệ tiếp theo trong cộng đồng. Việc tổ chức ngày hội giao lưu văn hóa, thể thao, du lịch các DTTS nơi đây trở thành truyền thống hằng năm, cũng là cách bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa với phát triển du lịch cộng đồng, tạo nên một sản phẩm du lịch độc đáo, riêng có…
Ngày 21/02 (ngày 17 tháng Giêng năm Kỷ Hợi 2019), tại thôn Xí Thoại, xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phú Yên phối hợp với UBND huyện Đồng Xuân tổ chức Lễ hội trống đôi, cồng ba, chiêng năm huyện Đồng Xuân mừng Xuân Kỷ Hợi năm 2019.
Tham gia Lễ hội năm nay có 07 đội đến từ các xã trong huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên và 3 đội đến từ các xã Canh Liên, Canh Hiệp, Canh Hòa, huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định. Lễ hội là dịp các dân tộc anh em trên địa bàn huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên và huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định gặp gỡ, giao lưu, thắt chặt tình đoàn kết cùng nhau xây dựng quê hương ngày càng phát triển.
THÀNH NHÂN