Rcom Bus - Chàng trai kể chuyện núi rừng Tây Nguyên qua mạng xã hội
Biết chơi nhạc cụ truyền thống từ năm 10 tuổi, đến nay chàng trai Gia Rai Rcom Bus (22 tuổi, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) đã chơi thành thạo hơn 10 loại nhạc cụ khác nhau như: đàn T’rưng, đàn Đá, đàn Ting Ning, Kroong Put, Kní, Rơ Hét, cồng chiêng… Các loại sáo vỗ, sáo trúc cùng nhiều loại bộ đệm khác đều được anh chơi thành thạo.
Mặc dù không học hành bài bản nhưng Bus rất có năng khiếu âm nhạc, nhạc cụ nào cũng chơi được và có khả năng cảm âm tốt. Từ đó, chuyển tải thông điệp từ các nhạc cụ, bài hát hấp dẫn, cuốn hút hơn. Phong cách biểu diễn độc đáo cùng ngoại hình ấn tượng, Rcom Bus được mọi người biết đến với cái tên quen thuộc là “Tarzan Tây Nguyên”.
Để lan tỏa niềm tự hào, đam mê văn hoá dân tộc truyền thống đến với mọi miền Tổ quốc, Bus đã lập một fanpage cùng tên với hơn 12.000 lượt theo dõi, yêu thích. Bus thường xuất hiện với hình ảnh rất mạnh mẽ mang đậm chất núi rừng Tây Nguyên trong chiếc khố truyền thống của dân tộc, làn da ngăm đen, thân hình rắn chắc, tóc dài… như tái hiện hình ảnh của chàng Đam San trong sử thi. Các clip Bus chơi đàn T’rưng, hay thổi chiếc tù và làm bằng sừng trâu bên ngọn thác… đã nhận được nhiều lời động viên, yêu thích từ dân mạng.
Nhờ có bạn bè, anh em yêu thích hỗ trợ, thỉnh thoảng, Bus có những clip leo núi, đu dây đẹp mắt cùng nhiều MV âm nhạc về Tây Nguyên thu hút hàng trăm ngàn lượt yêu thích. Riêng clip đầu tiên có hình ảnh của Bus xuất hiện trên mạng đã thu hút hơn 200.000 lượt yêu thích.
Với tài năng đó, tháng 9/2023, Bus là một thành viên nhỏ tuổi nhất trong 14 thành viên chính thức đại diện cho đoàn nghệ nhân Gia Lai tham gia Festival Âm thanh thế giới diễn ra tại Hàn Quốc. Đoàn nghệ nhân Gia Lai được các nước đánh giá cao.
Anh Bus tâm sự: “Gia Lai có rất nhiều cái đẹp, vì vậy mình mong muốn góp phần công sức nhỏ bé của mình để giới thiệu, quảng bá văn hoá truyền thống, những điểm đến đẹp để du khách đến trải nghiệm. Mỗi lần gặp gỡ du khách, được tận tình hướng dẫn họ chơi các nhạc cụ, đánh chiêng, đánh đàn, mình cảm thấy rất tự hào hạnh phúc và quyết tâm gìn giữ bản sắc dân tộc của mình”.
Nay H’Chuyên - “Cầu nối” lan tỏa văn hóa truyền thống
Nay H’Chuyên (dân tộc Gia Rai, 35 tuổi) sinh ra trong gia đình có 7 anh chị em ở thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chư Pưh. Do hoàn cảnh khó khăn nên sau khi tốt nghiệp Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Gia Lai, H’Chuyên chỉ làm nông với 3 sào ruộng và đi làm thuê để có thêm thu nhập. Những lúc rảnh, cô thường tự học tiếng Anh trên kênh YouTube để hiện thực hoá giấc mơ làm du lịch, quảng bá hình ảnh quê hương mình. Ngoài ra, cô cũng là cộng tác viên của Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện tại một số sự kiện.
Với tính cách hướng ngoại, năng động, vui vẻ, thân thiện nên H’Chuyên luôn biết cách giao tiếp với mọi người, đi nhiều nơi, kết thêm nhiều bạn. Vì vậy, khi gặp bạn bè, nhất là du khách nước ngoài, H’Chuyên đã nhiệt tình làm hướng dẫn viên, giúp họ tìm hiểu về các điểm đến hấp dẫn và văn hóa đặc sắc của địa phương mình.
Mới đây, tại Festival Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên năm 2023, H’Chuyên đã tự tin mời khách tham gia vòng xoang, trải nghiệm giã gạo bằng cối gỗ của đồng bào Gia Rai và uống rượu cần. Cô cũng tranh thủ giới thiệu về loại rượu truyền thống của dân tộc mình và di sản cồng chiêng. Tuy chưa nói được tiếng Anh lưu loát nhưng quan trọng là H’Chuyên đã chuyển tải được nội dung cần trao đổi và tạo được sự thân thiện, gần gũi đến với du khách nước ngoài.
H’Chuyên chia sẻ: “Quê hương mình có rất nhiều cảnh đẹp, văn hóa phong phú. Vì vậy, mình sẽ tiếp tục tự học, mạnh dạn giao lưu nhiều hơn để cải thiện vốn tiếng Anh, thông qua đó quảng bá rộng rãi vẻ đẹp văn hóa độc đáo của dân tộc mình đến với du khách nước ngoài khi có cơ hội”.
Trong bối cảnh du lịch đang phục hồi mạnh mẽ, những cách làm sáng tạo của những bạn trẻ DTTS sẽ góp phần quảng bá tốt hơn hình ảnh của du lịch Gia Lai đến với đông đảo đối tượng du khách. Cũng nhờ có những “đại sứ” du lịch mà các làng du lịch cộng đồng hoạt động từng bước có hiệu quả, lớp trẻ ngày càng ý thức được sự quan trọng của việc gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc cũng như đẩy mạnh quảng bá, thu hút du khách du lịch...”
Ông Lê Văn Nhung, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai