Phát triển mạnh mẽ cả về quy mô và chất lượng đào tạo
Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã quan tâm đầu tư, nhiều chương trình, dự án, đề án cho giáo dục và đào tạo vùng DTTS, miền núi. Nhờ đó, mạng lưới, qui mô trường lớp các cấp học từ mầm non đến phổ thông ở vùng DTTS, miền núi được củng cố phát triển, ngày càng đáp ứng nhu cầu học tập của con em đồng bào các dân tộc.
Từ các chương trình, dự án của Nhà nước kết hợp với sự đầu tư của các địa phương, nhiều cơ sở giáo dục vùng DTTS, miền núi đã được xây dựng được cơ sở hạ tầng khang trang, trang thiết bị tương đối đầy đủ.
Theo bà Vũ Thị Ánh, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Dân tộc, đến nay ở vùng DTTS và miền núi cơ bản đã xóa bỏ được phần lớn phòng học 3 ca, phòng học tạm các loại; tạo điều kiện cho hàng triệu học sinh được ngồi học trong các phòng học kiên cố và giải quyết điều kiện chỗ ở cho hàng vạn giáo viên.
Cơ sở vật chất, thiết bị trường học phục vụ hoạt động dạy và học, của các cơ sở giáo dục vùng DTTS và miền núi được quan tâm đầu tư, đã góp phần ổn định và phát triển quy mô giáo dục, tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục phấn đấu đạt chuẩn quốc gia và hoàn thiện dần mạng lưới cơ sở giáo dục ở các địa phương.
Bên cạnh các nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách ưu tiên đối với học sinh vùng DTTS và miền núi như: Nghị định số 84/2020/NĐ-CP ngày 17/7/2020 của Chính phủ; Nghị định số 105/2020/NĐ-CP ngày 08/9/2020 quy định chính sách phát triển giáo dục mầm non; Nghị định số 116/2016/NĐ-TTg ngày 18/7/2016 của Thủ tướng Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn… đã tạo điều kiện cho con em đồng bào các DTTS được đến trường học tập đầy đủ.
Đặc biệt từ khi có mô hình trường PTDTBT và các chính sách hỗ trợ đi kèm, chất lượng giáo dục ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội ĐBKK đã được nâng lên rõ rệt. Sự phát triển nhanh về quy mô, số lượng và nâng cao chất lượng của các trường PTDTBT, đã khẳng định được vai trò to lớn của hệ thống trường chuyên biệt này, trong việc huy động tối đa học sinh tiểu học và THCS trong độ tuổi tới trường, giảm tỷ lệ học sinh bỏ học, tỷ lệ học sinh đi học không chuyên cần, tỷ lệ học sinh lưu ban.
Từ đó, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, góp phần quan trọng vào việc củng cố và duy trì kết quả phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập giáo dục THCS..., từng bước nâng cao dân trí và phát triển nguồn nhân lực ở vùng đồng bào DTTS, miền núi.
Theo số liệu thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GD&ĐT), hiện cả nước có 49 tỉnh, thành đã có 325 trường PTDTNT với 105.818 học sinh, và 1.124 trường PTDTBT với 237.608 học sinh.Trong số đó có tới 45% số trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia.
Chất lượng giáo dục của các trường PTDTNT dần được nâng lên qua từng năm học. Tỷ lệ học sinh các trường PTDTNT xếp loại hạnh kiểm tốt, khá hằng năm đạt trên 95%. Hàng năm, có trên 50% học sinh thi đỗ thẳng vào đại học, cao đẳng; 13% vào cử tuyển hoặc vào trường dự bị đại học; khoảng 30% vào trung cấp chuyên nghiệp, dạy nghề…
Đánh giá về những kết quả đạt được trong công tác phát triển giáo dục vùng DTTS và miền núi, nguyên Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Hoàng Thị Hạnh chia sẻ: Chất lượng giáo dục vùng DTTS được thể hiện qua thành tích qua các kỳ thi của từng năm học. Ngày càng có nhiều học sinh là người DTTS đạt giải trong các kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia, học sinh là người DTTS có khó khăn đặc thù tốt nghiệp trung học phổ thông và học sinh trúng tuyển vào các trường chuyên nghiệp đạt điểm cao đều tăng so với những năm học trước.
Tiếp tục nâng cao hiệu quả giáo dục dân tộc
Triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, có chủ trương đầu tư, phát triển cho giáo dục và đào tạo vùng đồng bào DTTS, miền núi được quy định tại Tiểu dự án 1 của Dự án 5 “Đổi mới hoạt động, củng cố phát triển các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông có học sinh ở bán trú và xóa mù chữ cho người dân vùng đồng bào DTTS”.
Theo ông Lê Như Xuyên, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Dân tộc (Bộ GD&ĐT), triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia này, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các địa phương đang tích cực triển khai của hoạt động đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các trường PTDTNT, trường PTDTBT, trường phổ thông có học sinh bán trú…tạo điều kiện thuận lợi cho các em học sinh DTTS học tập.
Bên cạnh việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị Bộ GD&ĐT cũng chú trọng nâng cao chất lượng dạy và học. Bộ đã khảo sát, biên soạn, tập huấn, in ấn, cấp phát tài liệu cho học sinh và giáo viên như, tài liệu về khởi nghiệp trên cơ sở khai thác các giá trị văn hóa dân tộc cho các trường phổ thông dân tộc nội trú; tài liệu nâng cao năng lực dạy học môn Toán, Tiếng Việt ở trường phổ thông dân tộc bán trú và trường phổ thông có học sinh bán trú cấp tiểu học…Đây được kỳ vọng sẽ cú hích thúc đẩy giáo dục vùng DTTS và miền núi.
Cùng với việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, thời gian qua còn rất nhiều chính sách ưu tiên nhằm phát triển giáo dục dân tộc như: chính sách miễn, giảm học phí; chế độ trợ cấp xã hội, sinh viên ở vùng cao, vùng sâu và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn học tại các trường đào tạo công lập, hệ chính quy, dài hạn tập trung; Chính sách ưu tiên trong tuyển sinh được triển khai theo tinh thần Nghị định số 57/2017/NĐ-CP ngày 09/5/2017 quy định chính sách ưu tiên tuyển sinh và hỗ trợ học tập đối với trẻ mẫu giáo, học sinh, sinh viên các DTTS rất ít người...
Với sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước bằng những chính sách đầu tư từ các dự án về phát triển giáo dục vùng khó khăn, từ Chương trình mục tiêu quốc gia, và sự quan tâm của cả hệ thống chính trị và cộng đồng xã hội, chắc chắn rằng, lĩnh vực giáo dục đào tạo vùng DTTS và miền núi sẽ tiếp tục có sự phát triển mạnh mẽ, toàn diện hơn trong thời gian tới.