Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lai Châu vừa tiếp nhận 20 bệnh nhân có biểu hiện của ngộ độc. Theo thông tin ban đầu, 20 bệnh nhân là trẻ lớp nhóm 24 - 36 tháng của Trường Mầm non Giang Ma (xã Giang Ma, huyện Tam Đường).
Qua thăm khám, có 2 trẻ mầm non có biểu hiện đau bụng, buồn nôn nghi là đã ăn thuốc diệt chuột. Còn các cháu khác có biểu hiện bình thường và đang được các y, bác sỹ tiếp tục theo dõi.
Theo thông tin từ Trường Mầm non Giang Ma, sau khi nhận trẻ, vào khoảng 8 giờ 40 phút ngày 5/11, cô giáo phụ trách lớp phát hiện ra 20 trẻ trong lớp vô tình ngịch và có cháu nghi là đã ăn nhầm thuốc diệt chuột hiệu Thái Lan.
Sau khi tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã tiến hành các bước cấp cứu, xét nghiệm và thực hiện các quy trình cấp cứu theo phác đồ của Bộ Y tế. Cùng với đó, phối hợp với Trung tâm chống độc - Bệnh viện Bạch Mai hỗ trợ điều trị trực tuyến cho các bệnh nhân. Hiện tại, sức khoẻ các trẻ ổn định và đang được tiếp tục theo dõi và điều trị.
Ngay sau khi xảy ra sự việc, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế đã kịp thời chỉ đạo công tác cấp cứu và điều trị, đồng thời thăm hỏi, động viên tinh thần bệnh nhân và gia đình các bệnh nhân. Nguyên nhân xảy ra vụ ngộ độc đang được các cơ quan chức năng điều tra làm rõ.
Ăn, uống nhầm thuốc diệt chuột không phải là trường hợp hiếm gặp, bởi trẻ nhỏ thường tò mò và hiếu động, chưa phân biệt được các loại hóa chất độc hại. Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, hàng năm thường tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ nhập viện cấp cứu do uống nhầm thuốc diệt chuột.
Thuốc diệt chuột có thành phần Natri Fluoroacetate khi ăn hay uống phải, người bệnh sẽ có thể có hiện tượng co giật, suy hô hấp, rối loạn nhịp tim, hôn mê, tổn thương hệ thần kinh, suy thận, suy gan,… dẫn đến tử vong.
Dù là thuốc cần được kiểm soát, nhưng hiện nay người dân có thể dễ dàng mua thuốc diệt chuột ở các cửa hàng bán thuốc bảo vệ thực vật thú y, trên mạng, các sàn thương mại điện tử… Người có nhu cầu, chỉ cần gõ từ khóa tìm kiếm trên mạng sẽ dễ dàng tìm thấy nhan nhản các sản phẩm với đủ các mức giá, xuất xứ khác nhau và có thể mua đơn giản vì không kiểm định đối tượng mua hàng, không kiểm soát đối tượng bán hàng… Điều đáng chú ý ở đây, Fluoroacetat là thuốc diệt chuột đã được cấm lưu hành nhiều năm, nhưng lại được đóng gói dưới dạng thuốc diệt chuột được phép lưu hành hiện nay.
Bên cạnh đó, việc mua bán một cách dễ dàng cũng như sử dụng không an toàn, không đúng mục đích, tràn lan rất dễ gây ra ngộ độc có thể vô ý, tự tử hoặc đầu độc. Đặc biệt, uống nhầm thuốc, hoá chất không phải là trường hợp hiếm gặp, bởi trẻ nhỏ thường tò mò và hiếu động, chưa phân biệt được các loại hóa chất độc hại.
Để tránh ngộ độc thuốc diệt chuột, BS.CKII Nguyễn Tân Hùng, Phó Trưởng khoa Cấp cứu và Chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương khuyến cáo: Đối với gia đình có trẻ nhỏ, cần để thuốc, hóa chất độc hại tránh xa tầm tay của trẻ, tốt nhất nên cất ở những nơi kín đáo, trẻ ít có cơ hội tiếp xúc. Không đựng hóa chất trong vỏ chai đựng nước uống, các chai lọ có màu sắc bắt mắt thu hút sự chú ý của trẻ, tránh nhầm lẫn.
Không tự ý mua thuốc hay cho con uống các loại thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Đối với trẻ nhỏ độ tuổi mẫu giáo, cha mẹ cần theo dõi và chăm sóc trẻ khi vui chơi và sinh hoạt. Đối với những trẻ lớn hơn, cần dạy trẻ những loại hóa chất độc hại, cách phân biệt các loại đồ ăn có hình dáng tương tự cũng như quan tâm đến các tâm tư tình cảm, tâm sinh lý của con.
Khi phát hiện hoặc nghi ngờ trẻ uống nhầm thuốc, hóa chất độc hại, cha mẹ và người chăm sóc trẻ cần nhanh chóng tách trẻ ra khỏi các chất có nguy cơ gây ngộ độc. Đồng thời, khẩn trương đưa trẻ tới cơ sở y tế gần nhất, khi đi cần mang theo vỏ hoặc chai thuốc, hóa chất mà trẻ ăn uống nhầm để các bác sĩ biết nguyên nhân và có cách xử lý phù hợp.