Các nhà khoa học Nhật Bản vừa phát hiện một hợp chất có thể cứu sống các bệnh nhân bị ngộ độc khí từ các đám cháy. Hiệu quả và độ an toàn của hợp chất này đã được xác nhận thông qua các thử nghiệm trên chuột.
Trong quá trình nghiên cứu huyết sắc tố nhân tạo, ông Hiroaki Kitagishi, Giáo sư hóa học hữu cơ tại Khoa Khoa học và Kỹ thuật của Đại học Doshisha, đã phát hiện một lượng nhỏ CO đã được thải ra ngoài thông qua nước tiểu khi ông tiêm huyết sắc tố nhân tạo này cho động vật.
Dựa trên phát hiện đó, Giáo sư Kitagishi và các đồng nghiệp đã nghiên cứu và tạo ra một loại hóa chất để loại bỏ khí CO và HCN - những yếu tố chính gây ngộ độc khí trong các đám cháy.
Tác dụng chống độc của hợp chất chống khí CO và HCN đã được xác nhận bằng cách cho những con chuột hít phải khí CO hoặc được cho uống một chất để tạo ra HCN trong cơ thể.
Nhằm tái tạo các điều kiện của đám cháy trong thực tế, các nhà khoa học đã đốt cháy vải acrylic để tạo ra khói có chứa các khí CO và HCN. Sau đó, họ tiêm hợp chất trên cho những con chuột bị hít phải khí độc và không thể di chuyển.
Kết quả là có tới 11 trong số 13 con chuột được điều trị bằng hợp chất trên đã sống sót, trong khi tất cả 18 con chuột không được điều trị bằng hợp chất này đã chết.
Huyết áp của các con chuột còn sống đã trở lại bình thường chỉ vài phút sau khi dùng thuốc và sau đó, chúng không gặp vấn đề gì về ý thức và hành vi. Hợp chất mà các nhà khoa học tiêm vào cơ chể của các con chuột đã được bài tiết ra ngoài thông qua nước tiểu trong vòng 2 giờ.
Theo các nhà khoa học Nhật Bản, hợp chất mới có thể được lưu giữ dưới dạng bột hoặc dung dịch trong thời gian dài, giúp các bác sỹ hoặc nhân viên cứu hộ có thể sử dụng ngay tại hiện trường các vụ hỏa hoạn hoặc trong xe cứu thương.
Giáo sư Kitagishi nhấn mạnh hợp chất là một giải pháp an toàn, không có tác dụng phụ. Đây sẽ là giải pháp hứa hẹn nhiều lợi ích vì mỗi năm đều có rất nhiều trường hợp tử vong do ngộ độc khí bắt nguồn từ các đám cháy trên toàn thế giới./.