Sâu lắng tình người
Hò Đồng Tháp là một trong những điệu hò dân ca đặc sắc của vùng sông nước Nam bộ có từ cả trăm năm trước, song phát triển mạnh mẽ vào đầu thế kỷ XX. Hò Đồng Tháp nổi tiếng nhờ sự biểu cảm và lôi cuốn ở âm điệu buông lơi, khoan nhặt, trầm bổng và đặc biệt thể hiện một cách sâu lắng tâm tư tình cảm của con người…
Theo ông Nguyễn Đình Tô, Trưởng Phòng Nghiệp vụ-Bảo tàng Tổng hợp Đồng Tháp cho biết, hò Đồng Tháp đã được sinh ra từ trong cuộc sống sinh hoạt của người dân ở vùng quê sông nước từ khi khẩn hoang vùng đất này. Bài hò thường được chia 3 phần hơi khá rõ: từ tầm trung đến thấp nhất, từ tầm cao đến tầm trung, tầm thấp nhất đến tầm cao… nối với nhau chặt chẽ.
Nghệ nhân Bùi Kim Phượng, làm việc ở Phòng Văn hoá, Thông tin huyện Lai Vung, là một người viết và thể hiện rất thành công hò Đồng Tháp. Chị bộc bạch: Nét đặc trưng nhất của Hò Đồng Tháp là chỉ hò một mình; là hò tâm tình, là tự sự của con người, chủ yếu nói lên tâm trạng sâu lắng của mình. Cũng có khi có bài hò để phê phán, hay lên án những cái ác, cái xấu, phản ánh mọi mặt của đời sống xã hội.
Diễn giải về điệu hò, Nghệ nhân Phượng buông lơi câu hò: “Gió thổi hiu hiu chín chiều ruột thắt/ Nhìn về phương Bắc nước mắt em chảy lưng tròng/ Đôi ta nên vợ nên chồng/ Vàng phai đá nát một lòng chờ nhau…”. Nghe Nghệ nhân cất tiếng hò trong khung cảnh miền sông nước mênh mông, nội dung điệu hò đậm ý nghĩa giáo dục bằng những câu từ mộc mạc, giản dị, làn điệu lúc bay bổng nhẹ nhàng, lúc sâu lắng đằm thắm…, khiến cho người nghe khó có thể ngăn được cảm xúc rưng rưng. Cảm nhận được điều này, nghệ nhân Phượng giải thích thêm, đó là lời tâm sự, lời động viên của người vợ gởi gắm đến chồng đang tập kết ở phương Bắc.
Chia sẻ cái đặc sắc của điệu hò, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Minh, Trưởng khoa Văn hoá Du lịch, Trường Đại học Đồng Tháp cho hay, hò Đồng Tháp thường được người dân thể hiện trên đồng nước, trải dài dọc dòng sông Mêkong, nhất là vào các mùa trăng nước mênh mông thơ mộng. Điệu hò có sức lôi cuốn, hấp dẫn kỳ lạ. Từ đứa trẻ lên 5 cho đến người già 70-80 tuổi đều có thể hát lý, hò… Khi còn trẻ, nếu được người nào mời hò, thì ngay lập tức được đáp lại với câu hò: “ ... Câu hò tôi đựng một nia; Chị em nào thích tôi chia cho hò… ”; còn tuổi cao sức yếu, không thể hò được nữa có thể đọc vài câu: “Câu hò tôi đựng một khạp da bò; Tôi quên đậy nắp nó bò hết trơn…”. Câu hò xuất hiện trong hôn lễ: “… Rượu lưu ly chân quỳ tay rót;… Cha mẹ uống ơ..ơ… rồi Em dời gót theo anh ơ hò…ơ…”.
Để điệu hò lan tỏa…
Cái hay của hò Đồng Tháp thường được gắn với công việc hằng ngày của người dân. Hò lúc đi cấy, đi cày, hò trong những đêm trăng, trẻ em vui chơi cũng hò với nhau; hò len lỏi vào các nhà sinh hoạt cộng đồng. “Trong vùng đất này, dù là người Chăm, Kinh, Hoa, Khmer đều rất thích làn điệu hò Đồng Tháp… Từ một điệu hò xuất phát từ vùng đất sen hồng Đồng Tháp thơ mộng và lãng tử, đã lôi kéo, kết nối tình anh em các dân tộc lại với nhau”, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Minh chia sẻ.
Hò Đồng Tháp có nhiều loại khác nhau, có người chia ra: hò sông nước, hò cấy, hò sinh hoạt; có người phân loại thành: hò huê tình, hò cấy và hò khoan. Trong ca từ chữ này và chữ kia thường xuất hiện những nét nhạc nối. Đặc trưng của hò Đồng Tháp là phải có quãng 4 tăng và chuyển hệ trong hơi oán. Chính vì thế, hò Đồng Tháp được đánh giá là một điệu hò đặc biệt và hay nhất trong các điệu hò ở Nam bộ.
Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, Hò Đồng Tháp vẫn khẳng định giá trị là loại hình Di sản văn hóa phi vật thể có ảnh hưởng sâu sắc đến sinh hoạt văn hóa của người dân Nam bộ nói chung, Đồng Tháp nói riêng.
Điều đáng mừng là, hiện nay, có một số nghệ nhân trẻ có thể hò và viết lời mới cho hò Đồng Tháp, mang lại sức sống mới cho điệu hò xưa như: Bùi Kim Phượng (huyện Lai Vung); Phạm Hoàng Thái (huyện Lấp Vò) Trương Trí Dũng, Huỳnh Thanh Thủy (Trung tâm Văn hoá-Điện ảnh tỉnh Đồng Tháp)…
Trước sự phát triển ồ ạt của những dòng nhạc hiện đại, hò Đồng Tháp ít nhiều đã bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, với lòng yêu nghệ thuật dân ca, cùng với sự nối tiếp của các thế hệ trong mỗi gia đình yêu âm nhạc truyền thống sẽ giữ cho làn điệu hò Đồng Tháp luôn ngọt ngào đậm đà hương vị quê hương. Đặc biệt, khi được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, thì hò Đồng Tháp sẽ được bảo tồn và phát huy xứng tầm giá trị một làn điệu dân ca độc đáo, quý hiếm của vùng Đồng Tháp Mười mà cha ông ban tặng cho tình đoàn kết các dân tộc anh em.
Ngày 30/10/2018, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ký Quyết định công bố Hò Đồng Tháp là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia-loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian. Hò Đồng Tháp được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể là điều kiện tốt để không ngừng nuôi dưỡng và phát huy các giá trị nhân văn sâu rộng của loại hình dân gian đặc sắc này.
NHƯ HẠNH