Chương trình diễn ra tại Nhà văn hóa Trường Đại học Văn Hóa Hà Nội, thu hút sự quan tâm và tham gia đông đảo của khán giả cùng các vị khách mời. Sự kiện có sự góp mặt của những gương mặt như: Nghệ sĩ Lê Thơm, Nghệ sĩ Minh Hải...
Về nguồn cảm hứng để tạo nên chương trình, Nhật Linh - Thành viên Ban Tổ chức cho biết, “Chèo là bộ môn nghệ thuật truyền thống đặc sắc của dân tộc, nhưng đang dần mất vị thế bởi các hình thức giải trí hiện đại. Chính vì lẽ đó, "Hề Gậy Hề Mồi" ra đời và thông qua chương trình chúng mình hy vọng có thể xây dựng tình yêu chèo trong giới trẻ nói riêng và tình yêu với các bộ môn nghệ thuật truyền thống của dân tộc nói chung".
Với phần 1 là “Gánh” chèo, nơi tái hiện một cách tinh tế và mộc mạc nhất những nét đặc trưng làng Bắc Bộ - cái nôi bắt nguồn của những làn điệu Chèo qua các khoảng không gian được phục dựng lại cổng làng quê Bắc Bộ, mái sân đình, kiến trúc dân gian… và một triển lãm ảnh nhỏ mang tên “Phi hề bất thành chèo”.
Khi nhắc đến Gánh chèo, chắc hẳn hầu hết mọi người đều liên tưởng tới phường chèo, gánh hát chèo hay tổ chức của những người hát chèo. Không chỉ dừng lại ở đó, Ban Tổ chức còn muốn gửi gắm, truyền tải tới quý khán giả một thông điệp mang ý nghĩa thời đại mới: “Gánh chèo vào đương đại”.
Ngoài các không gian ấy, sự kiện còn tái hiện lại một gánh chèo xưa với vở diễn giao lưu “Mẹ Đốp và lý trưởng” trên chiếu chèo, với âm nhạc từ ban nhạc dân gian luôn được vang lên, bao trùm hết khoảng không của “Gánh” chèo và khán giả đứng xung quanh để hướng mắt nhìn lên sân khấu, thưởng thức chèo qua sự giao lưu của các nghệ sĩ trẻ.
Với ba phần: “Cội nguồn văn hóa”, "Xuân làng chèo” và "Sự giao thoa thời đại" chương trình đã tái hiện một không gian văn hóa Chèo đặc sắc, nơi có sự giao thoa nhịp nhàng giữa quá khứ và thực tại, giữa truyền thống và hơi thở thời đại mới thông qua những màn trình diễn đặc sắc, đầy cảm xúc và cách truyền tải dễ tiếp cận với lớp trẻ hơn.