Đam mê như định mệnhNghệ nhân Y Míp A Yun sinh ra và lớn lên ở buôn Kô Sier, phường Tân Lập, TP. Buôn Ma Thuột (Đăk Lăk), một buôn cổ của đồng bào Ê-đê. Ngay từ nhỏ, hễ cứ thấy ai chơi nhạc cụ đing puốt, đing năm là ông mê mẩn ngồi nghe, ngắm nghía, hàng giờ không biết chán. Lớn lên, ông bắt đầu mày mò nghiên cứu từng đặc điểm và sự cấu tạo nên chuỗi âm thanh của từng loại nhạc cụ dân tộc mình. Càng đi sâu tìm hiểu, ông càng thích thú và bị mê hoặc bởi những chuỗi âm thanh khi trầm, khi bổng, lúc réo rắt như chim hót, như mưa nguồn, gió núi...
Năm 20 tuổi, ông thử nghiệm chế tác nhạc cụ và cây đàn đầu tiên ông cho ra đời là cây đing puốt. Từ đó, những lúc rảnh rỗi, ông lại lặn lội vào rừng tìm kiếm lựa chọn từng cây tre, ống nứa và đi tới nhiều buôn xa tìm sừng trâu để đem về chế tác nhạc cụ để thỏa mãn niềm đam mê của mình.
Theo một người dân trong buôn Kô Sier cho biết, nhiều khi ông Y Míp A Yun say mê chế tác đàn đến quên ăn, quên ngủ. Thậm chí có lần bị bệnh phải vào bệnh viện điều trị, ông cũng bảo người thân mang dụng cụ và những ống tre, nứa, sừng trâu vào trong bệnh viện để ông chế tác nhạc cụ. Những nhạc cụ được chế tác xong, ông đem ra biểu diễn cho những bệnh nhân ở bệnh viện thưởng thức và tặng luôn cho những ai yêu thích.
Bảo tồn và quảng bá
Dụng cụ để chế tác các loại nhạc cụ dân tộc của ông Y Míp A Yun rất đơn giản, chỉ duy nhất một con dao nhọn sắc bén. Qua bàn tay khéo léo, tài hoa, tỷ mẩn, công phu và đôi tai thẩm âm cực chuẩn, ông đã chế tác ra hàng chục loạt nhạc cụ truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc Ê-đê. Đó là những nhạc cụ như đing puốt, đing năm, đinh tạc tài, chiêng đồng, chiêng kram, chiêng cóc, tù và, sáo…
Theo ông, mỗi loại nhạc cụ truyền thống của dân tộc Ê-đê đều có những đặc điểm riêng về cấu trúc, hình dáng và âm thanh, vì vậy trước khi bắt tay vào chế tác, nghệ nhân phải dành nhiều thời gian nghiên cứu từng chi tiết cụ thế và lựa chọn nguyên liệu phù hợp. Để chế tác ra được một nhạc cụ với mẫu mã đẹp, chuẩn âm, nhiều khi phải làm đi làm lại nhiều lần mới ưng ý.
Nói về sự công phu trong chế tác nhạc cụ, ông cho biết, trong số các nhạc cụ truyền thống của dân tộc mình, cây đàn đing năm là khó thực hiện nhất, có khi ông phải mất cả tháng trời mới hoàn thiện được. Cấu trúc của đing năm gồm 6 ống trúc có độ dài ngắn khác nhau, được xếp thành 2 bè, mỗi bè 3 ống, các ống được cắm xiên qua một quả bầu khô, dùng sáp ong rừng dán lại. Đến khi sáp khô thì khoét các lỗ trên đầu mỗi ống, còn cuống bầu làm đầu thổi, chế tác công phu vì đòi hỏi người nghệ nhân phải biết thổi đing năm và có trình độ thẩm âm cao. “Đing năm là cách gọi của người Ê-đê, còn người Raglai gọi là ku puốt, người M’nông gọi là m’boắt, thường được thổi theo điệu hát ayray trong các lễ hội, lễ cúng bến nước, cầu mưa, mừng lúa mới, nhà mới”, ông Y Míp A Yun giải thích.
Khó khăn, tỉ mẩn, công phu là vậy, nhưng hơn 50 năm qua chưa bao giờ ông nản lòng và có ý định bỏ nghề. Mỗi khi trong buôn có lễ hội, lễ cúng bến nước, lễ mừng nhà mới, tiệc tùng đám cưới, đám hỏi, ma chay, ông đều mang những nhạc cụ do mình chế tác ra biểu diễn phục vụ cộng đồng. Hàng chục năm qua, ông cũng là một trong những thành viên tích cực của “Đội cồng chiêng buôn Kô Sier” sử dụng những nhạc cụ do mình chế tác đi biểu diễn ở Tây Nguyên và nhiều địa phương ở trong nước cũng như quốc tế.
Năm 2011, trong vai trò thành viên của Đoàn nghệ nhân, nghệ sĩ âm nhạc và nghiên cứu văn hóa dân gian Việt Nam tham dự Sommelo, do Trung tâm thông tin về Kalerala và Văn hóa Karjata Phần Lan tổ chức, phần trình diễn những nhạc cụ đing năm, đing puốt, đing puốt pah của ông Y Míp A Yun đã thực sự chinh phục, thu hút sự chú ý của khán giả quốc tế. Sau khi biểu diễn, ông đã vui vẻ tặng lại toàn bộ nhạc cụ của mình cho bạn bè quốc tế, coi đó như một cách tôn vinh, quảng bá giới thiệu về truyền thống văn hóa đặc sắc của dân tộc mình.
LƯƠNG ĐỊNH