Đến cơ sở gốm Mỹ Tiên của gia đình nghệ nhân trẻ Đổng Thị Mỹ Trinh ở số nhà 46, đường Đổng Dậu giữa làng Bàu Trúc thuộc thị trấn Phước Dân, chúng tôi gặp chị đang bận rộn công việc đóng thùng giao sản phẩm gốm Chăm cho khách hàng trong và ngoài tỉnh. Ngừng tay chọn mẻ gốm là sản phẩm lọ cắm hoa vừa mới ra lò, Mỹ Trinh phấn khởi cho biết, bản thân em và bà con vui mừng được đón bác Tổng Bí thư Tô Lâm và Đoàn công tác cấp cao Trung ương về thăm làng nghề vào chiều ngày 05/12/2024. Em cùng dì ruột là nghệ nhân Đàng Thị Trình và nghệ nhân Đàng Thị Hoa vinh dự được mời tham gia biểu diễn làm gốm chào mừng bác Tổng Bí thư Tô Lâm. Đây là sự kiện đáng nhớ trong cuộc đời gắn bó với nghề làm gốm truyền thống của gia đình em và bà con làng nghề Bàu Trúc.
Nghệ nhân trẻ Đổng Thị Mỹ Trinh cho biết, cô tốt nghiệp hệ Cao đẳng chuyên ngành Chế biến hải sản của Trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh, niên khóa 2012 - 2015. Cô cử nhân trẻ trở về làng gắn bó với nghề làm gốm truyền thống của gia đình với các nghệ nhân tiêu biểu của làng Bàu Trúc như bà nội Đàng Thị Gia, cậu ruột Nghệ nhân Ưu tú Đàng Xem, dì ruột Đàng Thị Trình và mẹ là nghệ nhân “bàn tay Vàng” Đàng Thị Triều. Từ lúc học lớp 7 của Trường THCS Trương Định, Mỹ Trinh đã biết chế tác các sản phẩm bình cắm hoa mỹ nghệ bán cho du khách, vừa có tiền mua sắm sách vở, vừa phụ giúp mẹ có thêm thu nhập. Đường nét hoa văn trên các sản phẩm gốm “mẹ truyền con nối” của Mỹ Trinh duyên dáng, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Chăm.
Tại Hội thi tay nghề nghệ thuật làm gốm của người Chăm năm 2024, nghệ nhân Đổng Thị Mỹ Trinh chế tác chiếc bình gốm chiều cao 25cm, bụng bình có 18cm, miệng tai bèo, chạm khắc hoa văn sóng biển và thổ cẩm Chăm trong thời gian 30 phút, giúp chị đạt giải Nhất. Ngoài bàn tay khéo léo, tài hoa của người nghệ nhân tạo nên hình hài của bình gốm thì phần trang trí hoa văn có ý nghĩa rất quan trọng, tạo nên sự hấp dẫn của sản phẩm. Dụng cụ khắc họa hoa văn trên gốm là những vật dụng đơn giản như thân bút bi, đầu nhọn của cây cọ quét sơn, vỏ sỏ, hủ nước yến…
Nghệ nhân trẻ Đổng Thị Mỹ Trinh có thể làm nhiều loại sản phẩm gốm theo yêu cầu của khách hàng, sản phẩm “chủ đạo” của chị là chậu sen đá, bình cắm hoa, chậu trồng cây, thác nước. Chị vừa đầu tư trên 30 triệu đồng xây lò nung gốm bằng củi, với thời gian nung 24 giờ, cho ra sản phẩm sành chắc hơn nung lộ thiên. Sản phẩm gốm nung lò bảo đảm độ bền chắc, được khách ưa chuộng đặt hàng qua Facebook với nick name Mỹ Trinh (Gốm Chăm Bàu Trúc). Nhờ bán hàng Online và bán cho khách quen giúp cơ sở gốm Mỹ Tiên tạo việc làm thường xuyên cho các nghệ nhân trong tộc họ với mức thu nhập trung bình 10 triệu đồng/hộ/tháng. Nghệ nhân trẻ Mỹ Trinh trở thành chỗ dựa tin cậy của bà con thân tộc trong việc đưa sản phẩm gốm Chăm Bàu Trúc đến với người tiêu dùng.
“Em luôn ghi nhớ lời căn dặn của bác Tổng Bí thư Tô Lâm động viên bà con làng Bàu Trúc tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, chăm lo phát triển kinh tế, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và làm giàu từ nghề gốm truyền thống. Bản thân em nỗ lực phát huy kinh nghiệm nghề làm gốm của gia đình và không ngừng đổi mới mẫu mã, kỹ thuật nung, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng tốt nhu cầu gốm trang trí của người tiêu dùng. Đồng thời tích cực góp phần cùng bà con làng nghề gìn giữ Nghệ thuật làm gốm của người Chăm được UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo về khẩn cấp”, nghệ nhân trẻ Đổng Thị Mỹ Trinh chia sẻ niềm vui.