Trong thời gian hơn 10 ngày, 60 học viên người Chăm (chia thành 2 lớp) đã được các nghệ nhân truyền dạy từ kỹ thuật làm gốm từ cơ bản đến nâng cao. Lớp thứ nhất khai mạc từ ngày 15/11 với 30 học viên thuộc thế hệ trẻ của làng Bàu Trúc tham gia. Đứng lớp truyền dạy là 7 nghệ nhân có tuổi nghề, tay nghề cao, nắm vững quy trình sản xuất gốm, bao gồm từ kỹ thuật xử lý đất sét, phương pháp tạo hình sản phẩm, trang trí hoa văn, cho đến quá trình nung gốm…
Lớp thứ hai là lớp nâng cao tay nghề làm gốm Bàu Trúc. Dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Chế Kim Trung, 30 thợ gốm lành nghề đã được hướng dẫn cách phác thảo mẫu gốm, tạo ra sản phẩm mới phù hợp với nghề gốm tại Bàu Trúc.
Sau hơn 10 ngày tổ chức truyền dạy, các học viên đã nắm được các kỹ thuật làm gốm truyền thống, tiếp thu kinh nghiệm từ những nghệ nhân làng nghề; sáng tạo ra một số mẫu mã, hoa văn mới phù hợp với thị hiếu thị trường, đáp ứng được nhu cầu sản phẩm quà lưu niệm, trưng bày cho khách du lịch.
Tại Lễ bế giảng lớp học truyền dạy Nghệ thuật làm gốm truyền thống diễn ra vào chiều 26/11, ông Văn Công Hòa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã biểu dương sự nỗ lực, cố gắng của các nghệ nhân tâm huyết truyền nghề làm gốm cho thế hệ con cháu. Đồng thời đề nghị địa phương tiếp tục khuyến khích thế hệ trẻ tham gia học nghề làm gốm; động viên các nghệ nhân tiếp tục tham gia đào tạo đội ngũ kế cận; tạo thu nhập ổn định cho người làm nghề; tôn vinh các nghệ nhân và những người đang thực hành di sản văn hóa phi vật thể tại địa phương nhằm góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Nghệ thuật làm gốm của người Chăm đã được UNESCO ghi danh.