Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam (19/4) năm nay có sự tham gia của gần 300 người thuộc 30 thành phần dân tộc đến từ các tỉnh, thành đại diện cho các dân tộc, vùng miền trong cả nước. Đặc biệt, có sự tham gia của các già làng, trưởng bản, nghệ nhân đại diện cho 17 dân tộc (8 tỉnh) có số dân dưới 10.000 người (dân tộc thiểu số rất ít người) có thành tích trong bảo tồn, phát huy bản sắc dân tộc.
Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2018 có 4 nhóm hoạt động chính, gồm: Chương trình Đêm hội văn hóa dân tộc (đây là hoạt động điểm nhấn, kết hợp Khai mạc sự kiện); Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Quyết định số 1668/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam”; Các ngày hội văn hóa dân tộc, vùng miền như: Ngày hội văn hóa dân tộc Khmer Nam bộ (tái hiện Tết Chôl Chnăm Thmây của dân tộc Khmer và trình diễn nghệ thuật sân khấu Dù kê Khmer Nam bộ), Ngày hội Văn hóa các dân tộc Tây Bắc (tái hiện Lễ Xăng Khan của dân tộc Thái và trình diễn ẩm thực các dân tộc vùng Tây Bắc), Ngày hội Văn hóa các dân tộc Tây Nguyên (Tái hiện Lễ cầu mưa của dân tộc Gia Rai và trình diễn giai điệu Tây Nguyên); Triển lãm 10 năm chặng đường Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam (Trưng bày, triển lãm ảnh, hiện vật liên quan đến đời sống văn hóa của người Gia Rai; đặc biệt là các nội dung liên quan đến câu chuyện lịch sử kỷ niệm ngày Bác Hồ gửi thư cho Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam tại Plei Ku 19/4/1946).
Đây là sự kiện thường niên do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức, thiết thực chào mừng Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam; góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm về việc giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc, góp phần củng cố, tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
NGỌC TUẤN