“Ngọc của trời”
Nằm giữa đèo Phú Gia và đèo Hải Vân với những rặng cây nhiệt đới, bãi biển Lăng Cô (Thừa Thiên - Huế) dài hơn 10km, cát trắng, nước trong và được xếp hạng là một trong 30 bãi biển đẹp nhất thế giới. Khởi thủy, Lăng Cô vốn là một làng chài ven biển, người dân sống với nghề đánh bắt hải sản và nuôi trồng thủy sản trên đầm Lập An. Dãy núi Bạch Mã với hai nhánh đâm ra biển đã cho Lăng Cô một vị thế khuất nẻo, được ví von là “Tuyệt tình cốc” mộng mơ của xứ Huế. Bãi biển với cát trắng trải dài ở làng Cò (tên cũ của Lăng Cô) cũng là nơi sinh tụ của nhiều người từ xứ Quảng ra và từ xứ biển Quảng Trị vào cùng với người xứ Huế, tạo nên sự độc đáo của lối sống, con người nơi đây. Mấy trăm năm từ khi mang tên Châu Ô Châu Lý cho tới vùng đất Thừa Thiên, rồi Bình Trị Thiên và bây giờ là Thừa Thiên - Huế, Lăng Cô vẫn êm đềm như thế.
Đầm Lập An là đầm nước lợ được nối với biển thông qua một eo nhỏ giáp chân núi Hải Vân, diện tích rộng lớn khoảng 7.100ha. Màu nước của đầm thay đổi theo thời gian và thời tiết, khi thì xanh biếc, khi thì ngả vàng ấm áp dưới ánh mặt trời, khi thì tím thẫm trong hoàng hôn, tạo nên một khung cảnh huyền ảo. Làn nước phẳng lặng trong lành, xa xa là núi Bạch Mã xanh rì, phía sau là những con đường nhỏ, ngẩng mặt lên trời là mây lững lờ trôi, đầm Lập An sở hữu cho mình vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ và thơ mộng.
Bà Nguyễn Thị Hoa, thôn Hói Dừa, thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế cho biết, đầm Lập An là nguồn lợi tự nhiên tạo sinh kế cho người dân ven đầm. Ngày xưa, khi chưa có điện lưới, cuộc sống của người dân quanh đầm Lập An diễn ra theo một cách mộc mạc, thủ công, gắn bó chặt chẽ với thiên nhiên. Đầm không chỉ là nơi mưu sinh mà còn là nơi để người dân thủ thỉ tâm tình lúc đắng cay, ngọt bùi. Với người dân nơi này, nhịp thời gian mỗi ngày tuỳ theo con nước. Dãy Bạch Mã “vắt” hết nước ngọt cho đầm để có sò mai, cua đá, cá dìa, cá mú lưới, cá ngát, cá hồng, cá hanh… Chiều chiều, đám trẻ nhỏ đi nhặt những con sò nằm sâu trong cát, ngư phủ thả lưới giăng câu, đào những đụn cát tìm hải sâm hay đi bắt hàu. Đêm trên đầm Lập An, những ngư dân đều đặn chong đèn cào nghêu, bắt cá. Bóng người lẻ loi, nhỏ bé trong cái không gian mênh mang rộng lớn càng khiến cho đầm Lập An thêm huyền bí. Giữa những hàng cọc nuôi hàu bằng gỗ, thi thoảng từng đàn cá nhỏ giật mình nhảy lao xao trên mặt nước, vảy bạc lấp lánh dưới ánh đèn. Chúng nhảy cùng hướng di chuyển của xuồng làm bắn lên những giọt nước lợ nghe vị mặn mòi, thảng cả mùi muối và cá tôm. Không khí yên bình, tiếng mái chèo khua nước tạo nên một khung cảnh tĩnh lặng nên thơ.
Với thời gian, người dân nơi đây tích lũy nhiều kinh nghiệm, kỹ năng quý báu trong việc đánh bắt thủy sản. Khi công việc đánh bắt kết thúc, người dân quay về nhà với những mẻ cá, mớ tôm tươi ngon. Đầm Lập An cũng là vương quốc hàu của xứ Huế. Món đặc sản được tặng cho danh hiệu “ngọc của trời” bởi thơm béo nức tiếng, mỗi năm cung cấp cho thị trường hàng chục nghìn tấn hàu khắp các miền.
Điểm du lịch hấp dẫn
Làng chài Lăng Cô đã có tuổi đời hơn 250 năm. Đây là nơi cư ngụ, sinh sống của những người dân chài chất phác, hồn hậu, cần cù. Người dân ở đây kiếm sống bằng nghề chài lưới. Từ ngôi làng cô đơn, bây giờ Lăng Cô đã như nàng công chúa vào độ tuổi đẹp nhất, được du khách khắp nơi chú ý. Con đường huyết mạch QL1A xuyên qua doi đất hẹp ấy đã bừng sáng ánh điện, tạo nên một thị trấn của đầm phá và biển đẹp cả ngày lẫn đêm. Đứng từ đèo Hải Vân hay từ Hải Vân Quan nhìn xuống, Lăng Cô đẹp như một bức tranh thủy mặc với cát vàng biển xanh, đầm phá tím thẫm, có rừng núi bao quanh trong long lanh nước bạc. Một địa danh nằm trong chuỗi di sản miền Trung, kết hợp với hàng loạt điểm du lịch khác từ Bắc tới Nam như Cố đô Huế, cảng nước sâu Chân Mây thường xuyên đón những siêu tàu du lịch, Hải Vân Quan, Vườn quốc gia Bạch Mã, bán đảo Sơn Trà - nơi có Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà (Đà Nẵng) với nhiều bãi biển đẹp, di sản Hội An và di sản Mỹ Sơn.
Làng chài Lăng Cô bình dị nối liền dải bờ biển với đầm Lập An tĩnh lặng như gương, nhiều người khi đến đây cũng đã thử làm ngư dân với các hoạt động câu cá, thả lưới..., hay thong thả săn tìm những góc hình độc đáo về cuộc sống đời thường trên đầm phá. Hoàng hôn ở đầm Lập An cũng là thời khắc làm nhiều người bâng khuâng, mê mẩn. Không chỉ thế, những con nước đổ xuống đầm Lập An từ dãy bạch mã cũng đã tạo thành nhiều thác nước độc đáo, hình thành hàng loạt điểm du lịch sinh thái như Thác Mơ Lăng Cô, Hói Mít, Hói Dừa, nơi những dòng suối mát lạnh giữa núi rừng xanh mượt.
Cùng với đó là đèo Hải Vân nổi tiếng với những khúc cua hiểm trở, gió đuổi mây vờn, để rồi du khách được thỏa lòng trước cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, và ngắm nhìn toàn cảnh bãi biển Lăng Cô tuyệt đẹp từ trên cao... Hơn 10km bãi biển cát trắng, làn nước biển trong xanh và nắng vàng bao la tuyệt đẹp cùng những cánh rừng nhiệt đới rộng lớn trên các dãy núi nhấp nhô và đầm Lập An rộng lớn đầy huyền bí, Lăng Cô có đầy đủ những dư địa để trở mình một cách mạnh mẽ cho phát triển du lịch.
Từ ngôi làng cô đơn khuất nẻo giữa biển xanh và dãy bạch mã, Lăng Cô đang chuyển mình để trở thành điểm du lịch hấp dẫn. Trong nhiều khu dân cư: Hói Dừa, Hói Mít, Hói Cạn, Loan Lý, An Cư Đông, An Cư Tây, Miếu Chùa… cũng đã hình thành những cụm dịch vụ du lịch. Nhiều khách sạn, resort nghỉ dưỡng được xây dựng với quy mô lớn, chất lượng dịch vụ tốt mang đến cho du khách những trải nghiệm đáng nhớ.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, Lăng Cô đã đón khoảng 10 nghìn lượt khách du lịch quốc tế. Đây là một dấu hiệu tích cực, cho thấy sự quan tâm ngày càng tăng của du khách quốc tế đối với vẻ đẹp hoang sơ và tiềm năng du lịch của Lăng Cô. Khách đến đây để thư thái thả hồn mình phiêu lãng cùng biển vắng, để hòa mình vào non nước mây trời. Lăng Cô là điểm đến lý tưởng bởi có thể tắm biển, ngắm cảnh đẹp ở đầm Lập An, kết hợp các điểm du lịch suối, thác và thưởng thức ẩm thực. Đặc biệt các dịp nghỉ lễ, cuối tuần mùa nắng nóng này, lượng du khách đến Lăng Cô khá đông.
Lăng Cô - Cảnh Dương là một trong số 61 địa điểm tiềm năng trên toàn quốc vừa được đưa vào quy hoạch phát triển thành Khu du lịch quốc gia gia giai đoạn 2021-2030. Theo quy hoạch, Khu du lịch quốc gia Lăng Cô - Cảnh Dương nằm trong Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, thuộc thị trấn Lăng Cô và xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế có diện tích khoảng 9.490ha, trong đó diện tích vùng lõi tập trung phát triển du lịch là 1.350ha.
Ông Phạm Hữu Chung, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Phú Lộc cho biết, chính quyền địa phương cũng xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. Thời gian qua, địa phương đã tập trung đầu tư, phát triển các sản phẩm du lịch nhằm khai thác tiềm năng thế mạnh và bảo tồn các giá trị thiên nhiên, danh lam thắng cảnh, để phát triển du lịch. Tuy nhiên, việc đầu tư vào dịch vụ vui chơi, giải trí chất lượng cao vẫn còn khó khăn, đó là điều trăn trở của địa phương và người dân trong nhiều năm qua. Hiện tỉnh Thừa Thiên - Huế đang tập trung hoàn thiện các tiêu chí và phấn đấu trong thời gian gần sẽ đăng ký để được công nhận Khu du lịch quốc gia đối với Lăng Cô - Cảnh Dương.