Nghỉ hưu không nghỉ việc
Sau ngày giải phóng, chàng trai người Cơ Tu - Ra Pát A Ray rời quân ngũ trở về quê hương ở xã Thượng Long (Nam Đông, Thừa Thiên Huế) tham gia công tác xã hội. Từ Bí thư Huyện Đoàn Nam Đông đến Trưởng phòng Văn Hóa, rồi đến Chủ tịch HĐND xã Thượng Long…Dù ở cương vị nào ông cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Trong suốt quá trình công tác, ông Ra Pát A Ray có nhiều đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS. Đặc biệt, ông trở thành "hạt nhân" trong công tác bảo tồn những giá trị tốt đẹp trong văn hóa truyền thống của đồng bào Cơ Tu...
Theo lời ông chia sẻ, là người con của đồng bào Cơ Tu, ngay từ khi còn công tác, ông đã luôn đau đáu việc giữ gìn văn hóa của dân tộc mình. Ông thường suy nghĩ tự đặt ra câu hỏi, làm sao để nhà Gươl - biểu tượng của người Cơ Tu không bị mất đi; làm sao để những điệu dân ca, tiếng kèn bè... không bị mai một theo thời gian.
Nghĩ là làm, vào ngày nghỉ, ông tập hợp người trẻ yêu văn hóa truyền thống của người Cơ Tu để truyền dạy thổi kèn bè, hát điệu dân ca truyền thống; ông tham gia và gây dựng các phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng ở địa phương. Nhờ vậy, phong trào văn nghệ ở địa phương ngày một phát triển, từ chỗ nguy cơ thất truyền hát dân ca truyền thống, thổi khèn bè, đánh cồng chiêng, thì nay rất nhiều người trẻ biết đánh cồng đánh chiêng, thổi khèn bè, hát dân ca truyền thống.
Năm 2004, ông Ra Pát A Ray về nghỉ hưu theo chế độ, nhưng với ông "nghỉ hưu chứ không nghỉ việc”. Ông lại được tín nhiệm bầu làm Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Thượng Long. Đặc biệt, kể từ khi ông được đảng viên tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi bộ, người dân suy tôn là Người uy tín ở thôn A Xăng, ông Ra Pát A Ray luôn tiên phong vận động đồng bào tích cực lao động sản xuất phát triển kinh tế hộ gia đình để vươn lên thoát nghèo.
Cùng với đó, ông tích cực vận động đồng bào Cơ Tu xóa bỏ tục thách cưới, tổ chức ma chay kéo dài nhiều ngày làm ảnh hưởng tới đời sống kinh tế - văn hóa. Cùng nhau xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang để phù hợp việc xây dựng đời sống văn hóa mới ở khu dân cư. Ông cũng tích cực vận động hội viên, Nhân dân tích cực tham gia các chương trình, dự án hỗ trợ đồng bào từ các nguồn lực Chương trình MTQG, đặc biệt là Chương trình MTQG phát triển KT- XH vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Chia sẻ với phóng viên, ông Lê Thanh Hồ, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: "Ông Ra Pát A Ray từng qua nhiều vị trí công tác nên trong vai trò là Người có uy tín, ông có nhiều kinh nghiệm để vận động Nhân dân, từ việc bảo tồn và phát huy những giá trị tốt đẹp văn hóa truyền thống, xóa bỏ hủ tục lạc hậu; xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Bà con rất tín nhiệm và nghe theo lời ông Ra Pát A Ray khuyên bảo, vận động".
Nặng lòng với văn hóa đồng bào Cơ Tu
Nhiều năm nay, nhà Gươl - nơi tổ chức các lễ hội, sinh hoạt cộng đồng, giao lưu văn hóa của người Cơ Tu, và cũng là biểu tượng của sự đoàn kết, sức mạnh của người Cơ Tu đã không còn hiện hữu ở các bản làng khiến ông Ra Pát A Ray trăn trở. Ông quyết tâm làm cho nhà Gươl “sống lại” cùng với không gian văn hóa Cơ Tu ngay trong khuôn viên nhà mình.
Theo đó, hành trình 365 ngày dựng nhà Gươl được ông kiên trì thực hiện, từ khâu vẽ phát thảo, rồi tìm kiếm nguyên vật liệu, dựng nhà...; Năm 2010, căn nhà Gươl được ông dựng lên theo kiến trúc đặc trưng của người Cơ Tu, từ mái lợp tranh, các vật dụng đan lát trang trí..., gần như nguyên vẹn mô hình nhà Gươl truyền thống.
Những năm qua, trong khuôn viên nhà Gươl của ông Ra Pát A Ray trở thành địa chỉ giao lưu văn hóa, văn nghệ của đồng bào Cơ Tu, cũng là nơi ông tiếp khách quý đến thăm. Mỗi chiều, sau khi hoàn thành việc nương rẫy, ông Ra Pát A Ray lại ngồi trong Gươl vót tre, chẻ mây đan nong, nia, gùi, giỏ...
Ông Ra Pát A Ray cho biết, ông rất vui và tự hào khi nhà Gươl truyền thống hoàn thành. Đây không chỉ là thỏa mãn tâm nguyện của ông, mà còn góp phần bảo tồn văn hóa của đồng bào Cơ Tu: “Tôi luôn nghĩ, nếu mình không cố gắng gìn giữ, trao truyền thì văn hóa truyền thống của đồng bào mình sẽ mất. Vì vậy, tôi luôn cố gắng hết sức, còn khỏe còn làm."
Ấn tượng nữa là ông Ra Pát A Ray còn có tài chơi trống chiêng, khèn và một số nhạc cụ truyền thống của người Cơ Tu. Trong những năm qua, ông Ra Pát A Ray đã tham gia biểu diễn trống chiêng ở các lễ hội, sự kiện văn hóa và du lịch trong và ngoài tỉnh. Những lúc rảnh rỗi, ông truyền dạy cho thế hệ trẻ Cơ Tu cách đánh trống chiêng, chế tác nhạc cụ và đan lát.
Ông Ta Rương Mão, công chức Văn hóa - Xã hội xã Thượng Long cho biết: Dù tuổi cao, sức khỏe có phần giảm sút nhưng ông Ra Pát A Ray luôn hăng hái tham gia các hoạt động văn hóa ở địa phương. Mới đây, ông còn vinh dự đại diện cho huyện Nam Đông tham gia Ngày hội Văn hóa các dân tộc miền Trung lần thứ IV tại tỉnh Bình Định năm 2023.
Là người con của đồng bào Cơ Tu, ông Ra Pát A Ray hiểu, yêu và luôn tìm mọi cách để giữ gìn, trao truyền văn hóa của dân tộc mình cho lớp con cháu. Ông chính là “bảo tàng sống” lưu giữ, truyền dạy nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào Cơ Tu cho thế hệ trẻ hôm nay...