Người Cơ Tu cư trú chủ yếu ở các huyện Tây Giang, Đông Giang, Nam Giang (tỉnh Quảng Nam), huyện Hoà Vang, Hoà Phú (TP. Đà Nẵng), huyện Alưới, Nam Đông (Thừa Thiên- Huế). Qua điền dã, khảo sát, đánh giá hiện trạng trong những năm gần đây, chỉ đồng bào Cơ Tu ở vùng cao Quảng Nam còn bảo lưu được khá nguyên vẹn một số công trình kiến trúc nhà sàn, nhà dài, nhà mồ, nhà gươl truyền thống.
Trong không gian kiến trúc của nhà sàn, nhà dài, gươl và nhà mồ của người Cơ Tu chứa đựng nhiều giá trị độc đáo mang tính nhân văn sâu sắc nhằm giáo dục con cháu trong làng sống đoàn kết, quý trọng, bảo vệ “mẹ đại ngàn” rừng núi.
Về giá trị văn hóa, có thể tìm thấy nhiều yếu tố và biểu tượng của nền văn hóa Đông Sơn, văn minh Sa Huỳnh còn lưu giữ trong nhà sàn, nhà dài, gươl và nhà mồ của người Cơ Tu cũng như các dân tộc anh em ở Trường Sơn - Tây Nguyên. Đó là sàn được cất cao, hai bên ngoài ở hai đầu hồi nhà sàn ở riêng, nhà dài, gươl thường khắc họa hai con gà trống (ta coai), với tư thế vươn cổ gáy, hay hình con vật khác theo ý niệm của làng. Nhìn từ xa trông giống như hai con trâu đực nằm nối đuôi, hướng hai đầu về hai phía biểu hiện sức mạnh của làng, của tộc người Cơ Tu.
Bên trong ngôi nhà, nhất là gươl có các biểu tượng mặt trời, mặt trăng trên cột cái, trên nóc nhà, trên các đồ dùng hàng ngày cùng họ lên nương lên rẫy. Các gam màu đen trắng chủ đạo được tô vẽ trong nhà. Các số đếm trong các bộ phận cột, đòn tay, bậc thang đều mang số lẻ như 1,3,5,7,9. Các biểu tượng này phản ánh quan niệm về âm - dương, dấu ấn tín ngưỡng tô tem về nước, lửa trong vũ trụ quan của người Đông Sơn cổ đại.
Về kiến trúc khung nhà dài, nhà sàn, nhà mồ cũng như gươl của người Co Tu thuộc loại kiến trúc độc đáo. Bộ khung nhà tưởng như mỏng manh nhưng chắc chắn, đủ sức chống chọi với nắng mưa, gió bão ở khu vực nắng nóng mưa nhiều. Các nguyên vật liệu tại chỗ như gỗ, tre, lạt, dây mây, song với các loại mộng, ngoàm đơn giản được khoét bằng rìu, rựa, dao, phối với nhau hợp lý, tạo kết cấu chịu lực tối ưu.
Về giá trị nghệ thuật: Các nhà họa sỹ, nhà điêu khắc có thể tìm thấy ở nhà gươl, nhà dài, nhà mồ của người Co Tu nhiều biểu tượng nghệ thuật vừa nguyên sơ vừa độc đáo. Đó là các hình vẽ, chạm khắc các loại chim thú, cỏ cây, mặt trăng, mặt trời, hình mặt người, cảnh sinh hoạt đời thường lên nương rẫy, cảnh săn bắt, kinh nghiệm sống, các nghi lễ lớn nhỏ của làng và cả hình ảnh tình quân dân trong thời kháng chiến chống Pháp và Mỹ, hình ảnh về Bác Hồ...
Ngày nay, đồng bào Cơ Tu vẫn quý trọng không gian kiến trúc nhà cổ truyền của dân tộc mình bởi đây cũng chính là sản phẩm văn hóa thấm đẫm tính nhân văn, tính cố kết cộng đồng. Mỗi người trong dòng họ cùng chung sức chung lòng gìn giữ ngôi nhà chung của dòng họ mình.
Tuy nhiên, qua thời gian và những biến cố lịch sử, nhiều làng đồng bào Cơ Tu hiện đã không còn giữ được những ngôi nhà dài, nhà gươl, nhà làng... được coi là linh hồn của làng. Đồng bào mong muốn được phục dựng lại những ngôi nhà mang biểu tượng văn hóa của làng nhưng nguồn vật liệu gỗ khan hiếm, tiềm lực của đồng bào không đủ. Do đó, đồng bào rất cần những chính sách đầu tư cho công tác bảo tồn văn hóa ở vùng DTTS và miền núi được triển khai để phục hồi lại ngôi nhà chung của làng mình, dòng họ mình.