Nhân dịp năm mới Đinh Sửu 2021, lần theo chuyện con trâu, chúng tôi có dịp đi khảo sát một số nhà mồ của người Cơ Tu ở các huyện Nam Giang, Đông Giang và Tây Giang (Quảng Nam). Vào các bản làng, gặp những già làng cao tuổi thì được biết, từ thuở xưa, người Cơ Tu luôn xem nhà mồ và quan tài là một trong những công trình kiến trúc mang tín ngưỡng dân gian truyền thống, hướng về ông bà, tổ tiên. Tuỳ thuộc vào mỗi vùng, mỗi làng, thân phận của người chết và sự tài hoa của người nghệ sĩ điêu khắc mà tạo nên những tác phẩm điêu khắc đẹp mắt, mô phỏng hình ảnh con trâu ở nhà mồ (ping), tạo nên sự đa dạng của nhà mồ và quan tài của người Cơ Tu ở mỗi vùng, mỗi làng...
Ở những nhà mồ truyền thống bằng gỗ thì hình ảnh rõ nhất đập vào mắt là 2 đầu trâu ở hai phía đầu hồi nóc. 4 trụ cột siêng của nhà mồ cũng được chạm khắc hình ảnh 4 đầu trâu ở 2 đầu thân cây. Ở đây, con trâu được nghệ nhân dân gian Cơ Tu điêu khắc, mô phỏng rất rõ nét và tự nhiên bằng một khối tròn của thân cây gỗ với sừng trâu, đầu, tai, mắt giống như thật, tăng thêm tính thẩm mỹ và còn giữ cho mái nhà mồ Cơ Tu thêm vững chắc.
Ở một số nhà mồ mới của người Cơ Tu, với mái lợp bằng tôn nhưng vẫn có hình tượng con trâu. Tại đây, ở thanh xà nóc của nhà mồ này, hình ảnh trâu cũng được chạm khắc trên mái với 2 đầu trâu bằng gỗ trông như thật.
Trong lòng nhà mồ là quan tài (ti rang). Quan tài là một thân cây lớn nguyên vẹn được xẻ ra làm đôi, phần nắp, phần thân và hai đầu trâu dính chặt vào thân không có mộng nối.
Trong đời sống của người Cơ Tu vùng núi Quảng Nam, con trâu thể hiện khát vọng vươn tới của những con người sống lương thiện, hiền hòa, chất phác. Việc dùng hình tượng con trâu vào trang trí, điêu khắc ở nhà mồ và quan tài cũng là một điều dễ hiểu. Đó cũng là nguồn cảm hứng cho các nghệ sĩ dân gian Cơ Tu trong quá trình sáng tạo nghệ thuật làm đẹp cho ngôi nhà mồ của mình hướng về ông bà, tổ tiên.