Lễ cúng vía trâu thường diễn ra trong 1 ngày rưỡi. Trước đây, khi dân bản còn nhiều trâu, đồng bào sẽ lên rừng tìm một khoảng đất rộng có nhiều cỏ để làm nơi chăn thả trâu, gọi là púng. Ngày nay, số lượng trâu không còn nhiều nên các gia đình thường làm Lễ tại nơi thả trâu của gia đình. Mâm lễ cúng trâu có 1 con gà luộc, 2 bát nước luộc gà, 1 đĩa trầu và vỏ chay, 8 chén rượu, 8 đôi đũa, 2 ép xôi, 1 chai rượu. Đặt mâm lễ trước bàn thờ tổ tiên của gia đình, thầy cúng thứ nhất khấn mời ông bà tổ tiên về thụ lễ của gia đình và xin phép được làm lễ cúng vía cho trâu, phù hộ cho trâu không bị bệnh tật, không bị hổ, sói ăn thịt...
Cúng xong mâm lễ thứ nhất, gia đình chuẩn bị 1 mâm lễ thứ hai đặt tại chỗ nhốt trâu của gia đình khấn xin thổ địa về thụ lễ; báo cáo mùa vụ đã làm xong, lúa cấy đã bắt đầu bén rễ, xin phép được cúng vía cho trâu để trâu được khỏe mạnh. Thầy treo lên sừng mỗi con trâu một cái giỏ đựng lông gà và bắt đầu khấn cúng vía cho trâu. Cúng xong, thầy cúng mời trâu ăn một bó cỏ lau, miếng cơm nếp và uống một chén rượu để tỏ lòng biết ơn con trâu đã cùng với nhà nông làm mùa vụ vất vả. Cúng xong tất cả mọi người cùng nhau tổ chức ăn uống, rồi thả trâu lên bãi thả chung (púng).
Lễ cúng vía trâu mang đậm dấu ấn văn hóa của nền nông nghiệp lúa nước. Đây là một nghi lễ mang đậm ý nghĩa nhân văn và có ý nghĩa quan trọng trong đời sống kinh tế, văn hóa của dân tộc Thái ở Sơn La.
SÔNG LAM