Món ăn nuôi nấng người Mông bao đời
Hẳn ai về với Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) đều dễ dàng nhận thấy, ngô là loại cây chủ đạo, được phủ kín khắp các nương đồi. Ngay cả những đồi toàn đá tai mèo, người dân vẫn tận dụng từng hốc đá để thả vào đó những cây ngô xanh mướt. Cũng chính sự nhọc nhằn để có được những bắp ngô vàng ươm đó, người Mông đã nâng niu, trân trọng từng hạt ngô và chế biến ra món mèn mén, món ăn chính nuôi nấng người Mông bao đời.
Còn nhớ cái nắng oi ả 12 giờ trưa giữa tháng 4/2022, tại đỉnh đèo Mã Pí Lèng hùng vĩ, tôi và anh bạn đồng nghiệp xúc động, khi chứng kiến một em bé nhỏ xíu, chừng hơn 4 tuổi học theo bố mẹ cuốc đất trồng ngô. Đất thì toàn đá, cây cuốc thì to mà người em lại nhỏ. Thế mới thấy rằng, để có món mèn mén là những giọt mồ hôi, bao công sức vất vả của cả một gia đình.
Bữa ăn trưa đi làm nương của gia đình cũng thật đơn giản, gồm mèn mén, canh dưa chua đổ trộn vào nhau, thêm gia vị là tương ớt (ớt khô xay nhuyễn). Theo lời người dân kể thì ở nhà họ cũng ăn như vậy.
Nói về món mèn mén của người Mông, ông Nguyễn Minh Thuận - Trưởng Phòng Dân tộc huyện Mèo Vạc bày tỏ, từ bao đời nay, đồng bào người Mông tại huyện cao nguyên đá Mèo Vạc chủ yếu trồng ngô, rất ít ruộng có thể cấy lúa. Vì thế mà, mèn mén là món ăn chính, là “cơm” hàng ngày của người Mông từ xưa đến nay.
Đặc sản vùng cao
Khi gõ từ khóa “mèn mén” lên công cụ tìm kiếm Google, sẽ có hàng nghìn kết quả được hiển thị, nhiều nhất là các trang Website quảng cáo du lịch. Tất cả các bài viết đều cho rằng, mèn mén là món độc, lạ, là món “đặc sản”, nên thử ít nhất 1 lần khi đến với Hà Giang.
Thật vậy, hiện nay tại hầu hết các điểm du lịch, nhất là các điểm du lịch cộng đồng, mèn mén được người dân, các nhà hàng chế biến tinh tế để phục vụ khách du lịch. Đặc biệt, trong mỗi bữa cơm đãi khách phương xa đến địa phương tham quan, làm việc, các địa phương tại Hà Giang cũng thường lấy món mèn mén để đón khách.
Trưởng Phòng Dân tộc huyện Mèo Vạc cho biết, quá trình làm món mèn mén là cả một nghệ thuật với nhiều công đoạn cầu kỳ. Món mèn mén mà du khách được thưởng thức trong các nhà hàng, khách sạn đã được cách tân, thêm những gia vị và nguyên liệu để dễ ăn hơn so với mèn mén mà người Mông ăn hằng ngày.
Chị Hoàng Thu Thảo - hướng dẫn viên chuyên tuyến Đông Bắc cho biết, mèn mén là món ăn ngon, bổ dưỡng, no lâu và “lạ” nên chị thường cho khách trải nghiệm. Đây cũng là món ăn tạo nên điểm nhấn, để du khách hiểu hơn về văn hóa ẩm thực người Mông khi đến với Hà Giang.
Sợi dây gắn kết những người Mông xa quê
Ngày nay, cuộc sống của người Mông đã đủ đầy hơn, nhưng món mèn mén vẫn giữ vai trò chủ đạo trong bữa ăn hằng ngày, cho dù nhiều gia đình có điều kiện. Bởi, dù là món ăn nhưng mèn mén đã ngấm vào máu thịt, nuôi dưỡng bao thế hệ đồng bào Mông. Là món ăn không thể thiếu được trong các ngày lễ, ngày tết.
Đặc biệt, đối với những người con xa quê, hương vị mèn mén như là sợi dây gắn kết để những người con đồng bào Mông dù đi đâu, ở đâu cũng nhớ về cuội nguồn, nhớ về quê hương, nơi chôn rau cắt rốn, nơi có chính bột ngô làm thành mèn mén đã nuôi họ khôn lớn.
Chị Sùng Thị Mai hiện công tác tại Ủy ban Dân tộc, quê ở xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn, Hà Giang chia sẻ, dù chị đã thoát ly công tác hơn 20 năm, nhưng trong nhà chị lúc nào cũng sẵn bột ngô (được gửi từ Đồng Văn xuống) để khi bạn bè có nhu cầu thưởng thức, hoặc các dịp lễ tết, cúng tổ tiên ông bà thì chị sẵn sàng chế biến. Chị bảo, có những nghệ sĩ như: Nghệ sĩ nhân dân Tự Long, Nghệ sĩ ưu tú Xuân Hải và các nghệ sĩ nhà hát tuồng, chèo Việt Nam cũng đã nhiều lần được thưởng thức món mèn mén do chính tay chị làm.
"Mèn mén mang linh hồn, văn hóa đậm đặc bản sắc, gắn bó với sinh hoạt hàng ngày của dân tộc Mông. Đến lúc chết, người Mông cũng phải mang hạt ngô trên người để khi được đầu thai có giống để trồng, có mèn mén để ăn…", chị Mai nói,
Tương tự, nhiều gia đình người Mông từ Hà Giang di cư vào các địa phương vùng Tây Nguyên sinh sống, dù cuộc sống đã đầy đủ hơn, mèn mén không còn là món ăn chính trong bữa ăn hằng ngày, thế nhưng mỗi dịp lễ, tết, trong mâm cỗ cúng ông bà, tổ tiên, mèn mén là món ăn không thể thiếu được.
Bà Vừ Thị Chợ (thôn Ea Uôl, xã Cư Pui, huyện Krông Bông) chia sẻ, gia đình bà từ Hà Giang vào sinh sống tại Đắk Lắk đã gần 20 năm nay. Xa quê hương đã lâu nên nhiều món ăn đặc trưng của dân tộc Mông bà đã ít nấu dần. Duy chỉ có món mèn mén là bà vẫn thường nấu mỗi dịp lễ, tết hay khi nhà có khách quý đến thăm.
Nhìn nhận về món mèn món, ông Đinh Xuân Thắng - Phó Vụ trưởng Vụ tuyên truyền (Ủy ban Dân tộc) chia sẻ, ngô chính là 1 trong 4 thứ trong túi người Mông khi di cư, sự tồn vong của đồng bào cũng nhờ 4 thứ đó. Do đó, ngô và món mèn mén đã trở thành thứ gắn bó lâu đời trong đời sống đồng bào người Mông.
"Sinh sống ở 4 huyện cao nguyên đá Hà Giang, chính là "sống trên đá chết vùi trong đá" hoặc "vắt đá tai mèo thành mật ngọt" nên không có cây lương thực nào thay thế cây ngô ở nơi đây. Vì thế, mèn mén chính là món ăn khẳng định sự khắc phục khó khăn, vươn lên của người Mông. Mỗi khi đến với Hà Giang, tôi thường thưởng thức món mèn mén này", ông Thắng bộc bạch.
Có thể thấy, mèn mén là món ăn chính để nuôi sống cả một tộc người. Món ăn này không chỉ có giá trị về dinh dưỡng, mà còn mang giá trị văn hóa đậm đà bản sắc của đồng bào Mông
Sự việc bà Hoàng Thị Hường, hay còn gọi là Hoàng Hường, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dược phẩm Hoàng Hường vừa qua, đã gọi món ăn mèn mén của người Mông là "cám lợn" khiến cho đồng bào dân tộc Mông, cộng đồng mạng, cũng như nhiều chuyên gia văn hóa, ẩm thực cảm thấy phẫn nộ, bất bình, đánh giá về cách hành xử này là thiếu văn hóa, thiếu hiểu biết về ẩm thực. Hy vọng, kể từ nay, những sự việc đáng buồn này sẽ không còn nữa!