Lễ vật cúng ông Công ông Táo
Theo chuyên gia phong thủy Nguyễn Song Hà, lễ cúng ông Công ông Táothường diễn ra vào ngày 23 tháng Chạp, tức 23/12 âm lịch hằng năm.
Năm nay, tết ông Công ông Táo rơi vào thứ Tư, ngày 22/1/2025 dương lịch. Đây là ngày chính để thực hiện nghi lễ tiễn ông Công ông Táo về trời. Tuy nhiên, gia chủ có thể cúng ông Công ông Táo từ ngày 19/12 âm lịch.
Lễ vật cúng ông Công ông Táo tùy vào điều kiện kinh tế của mỗi gia đình, quan trọng nhất vẫn là thành tâm. Thông thường, mâm cúng sẽ có những lễ vật sau:
Một bình hoa, đĩa trái cây ngũ quả (thanh long, mãng cầu, trái dừa, đu đủ, xoài).
3 chén chè trôi nước, 3 đĩa mứt, 3 đĩa trà khô, nhang, đèn, rượu, kẹo, cốm, bánh. Hàng mã gồm một chút tiền, vàng…
Mâm cúng có thể chuẩn bị một số món ăn: Cơm, canh, cá, rau, củ kiệu, đĩa thịt luộc hoặc gà luộc, mắm, đĩa bánh chưng hay bánh tét...
Theo tín ngưỡng dân gian, mọi người còn dâng cúng cá chép sống, tượng trưng phương tiện để Táo quân cưỡi về trời. Khi làm lễ cúng hoàn tất, gia chủ thường phóng sinh cá chép.
Mâm cúng ông Công ông Táo 3 miền
GS. Trần Lâm Biền - nhà nghiên cứu văn hóa dân gian cho biết, lễ cúng ông Công ông Táo không nhất thiết phải mâm cao cỗ đầy hay cúng bái những món vàng mã đắt tiền… Tùy điều kiện cụ thể, mỗi gia đình sẽ chuẩn bị mâm cỗ cúng khác nhau.
Mâm cỗ cúng ông Táo theo truyền thống của người Bắc gồm: 1 đĩa gạo, 1 đĩa muối,1 con gà trống luộc được tỉa ớt hoặc hoa hồng (có thể thay thế bằng thịt lợn luộc),1 bát canh mọc hoặc canh măng,1 đĩa xào thập cẩm,1 đĩa giò, chả rán hoặc thịt đông,1 đĩa xôi gấc,1 đĩa chè kho
Cá chép (sống hoặc rán), vì theo quan niệm, cá chép là phương tiện để ông Táo lên trời. Nếu là cá chép sống, sau khi cúng, người dân sẽ mang đi phóng sinh.
Mâm cúng của người miền Trung không có áo mũ, vàng mã cho các Táo như miền Bắc nhưng người miền Trung thường dâng lên một con ngựa bằng giấy, có yên cương đầy đủ, đốt vàng mã cùng nhiều lễ vật khác. Ngoài các món cơ bản, trong mâm cơm cũng có cá ngừ hay cá thu...
Theo sách “Đặc khảo về tín ngưỡng thờ gia thần” của Huỳnh Ngọc Trảng - Nguyễn Đại Phúc, NXB Văn hóa Văn nghệ, tục tiễn ông Táo về trời của người dân Nam Bộ phải có bộ giấy “cò bay ngựa chạy”, mang ý nghĩa ngựa chở ông Táo đi đường bộ rồi cò chở ông Táo bay về trời.
Gia chủ thường bày mâm cúng ông Táo tại bếp. Thủ tục cúng đơn giản, đặt lư hương với đĩa trái cây, bánh trái, chén chè trôi nước, đĩa kẹo làm từ mè đen và đậu phộng…
Mẹo đơn giản giúp chọn cá chép khỏe đẹp cúng ông Công ông Táo
Hiện nay, có nhiều loại cá chép được bày bán vào dịp Tết ông Công ông Táo, như cá chép đỏ (giống cá cảnh) hay cá chép đồng. Màu đỏ của cá chép tượng trưng cho sự may mắn, rực rỡ. Việc chọn loại cá nào phụ thuộc vào điều kiện kinh tế và sở thích của từng gia đình.
Khi mua cá chép sống để phóng sinh, cần chọn những con cá khỏe mạnh, bơi nhanh, vẩy không bị bong tróc. Không nên để cá trong chậu cúng quá lâu. Kích thước cá không quá quan trọng, miễn sao phù hợp với điều kiện kinh tế và đảm bảo cá khỏe mạnh. Để kiểm tra sức khỏe của cá, người mua có thể chạm nhẹ vào mặt nước, nếu cá bơi nhanh, quẫy mạnh thì đó là cá khỏe. Khi lật cá, mang cá màu đỏ tươi là dấu hiệu tốt. Mang cá màu đỏ thâm có nghĩa cá yếu, dễ chết. Khi đi phóng sinh, cần lựa chọn vị trí thích hợp, tránh xả rác, thả cá cùng túi nilon, khiến cá chết.
Việc cúng cá chép trong lễ cúng ông Công ông Táo là một nét đẹp văn hóa, thể hiện sự trân trọng các giá trị truyền thống và mong muốn một năm mới an lành, may mắn. Việc lựa chọn loại cá nào, số lượng bao nhiêu tùy thuộc vào điều kiện và tâm nguyện của mỗi gia đình. Quan trọng hơn cả, đó là sự thành tâm và những hành động tích cực mà chúng ta dành cho gia đình và cộng đồng.