Lễ tế Tổ dịp rằm tháng Giêng - Nét đẹp văn hóa truyền thống của nhiều miền quêThờ cúng tổ tiên là một nét đẹp trong văn hóa truyền thống của người Việt, chính vì thế dòng họ nào, chi tộc nào cũng xây dựng nhà thờ làm nơi để cho con cháu tưởng nhớ, tri ân tổ tiên. Vào ngày Rằm tháng Giêng, các dòng họ của nhiều miền quê lại tổ chức nghi thức tế Tổ. Không chỉ người ở gần mà hầu hết con cháu trong dòng họ trên mọi miền đất nước đều ghi nhớ truyền thống này, trở về nhà thờ họ để thắp hương, bày cỗ dâng lên tổ tiên. Ngoài ra, đây còn là dịp để cầu an yên đầu năm, mong cho quốc thái dân an, gia đình, dòng họ đắc yên, đắc tài, đắc phúc lộc.
Ở nhiều vùng quê của Nam Định, Nghệ An, Thanh Hóa… sau Tết Nguyên Đán, Rằm tháng Giêng được xem là ngày lễ trọng để cháu con tụ hội, tìm về để cùng dự lễ tế tổ đầu năm.
Họ Phan ở Nam Định có truyền thống yêu nước từ ngàn xưa, dòng họ có ngài Phan Tây Nhạc Đại Vương đã giúp Vua Hùng đời thứ 18 (Hùng Duệ Vương) đánh Thục Phán xâm lược. Trải qua các thời kỳ chống giặc ngoại xâm, họ Phan đã cống hiến nhiêu nhân tài cho đất nước.
Đặc biệt ở Nam Định có Phan Cung, Phan Lượng là hai anh em làm tướng cho Hai Bà Trưng đánh quân xâm lược nhà Hán. Họ Phan, xóm 2, xã Hải Minh theo căn cứ vào bản sắc phong, bia ký hiện hữu tại từ đường họ Phan thì di tích thờ Thủy tổ Phan Huệ Tài là người có công khai khẩn đất đai, tạo dựng làng xóm, đặt nền móng cho sự hình thành và phát triển dòng họ.
Đông đảo con cháu tề tựu tại lễ tế Tổ dịp Rằm tháng Giêng của dòng họ Phan ở xã Xuân Giang, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam ĐịnhThủy tổ Huệ Tài cùng các con cháu và các tổ dòng họ tham gia đắp đê khai khẩn đất đai, thau chua rửa mặn, cải tạo đồng ruộng tại khu vực Cầu Gia (ngày nay là Trực Cát, Trực Ninh). Sau đó Thủy tổ họ Phan đã cùng các tổ họ Mai, Phạm, Nguyễn vượt sông Trường Giang (sông Ninh Cơ ngày nay) đến năm 1511 lập làng Kim Đê (nay thuộc xã Hải Minh). Họ Phan với nhiệm vụ định phần cứ ấp, các tổ đồng tâm hiệp lực, mở mang bờ cõi về đồng ruộng.
Sau khi mất Thủy tổ họ Phan được triều đình ban tặng sắc phong, Nhân dân địa phương suy tôn làm Thành Hoàng làng có bài vị thờ tại đền thờ tứ tổ xã Hải Anh. Các vị tổ kế thành họ Phan cũng là những người có công lớn trong sự nghiệp khai hoang lấn biển, phát triển dòng họ và có 2 vị cũng được vua ban sắc.
Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, họ Phan Sáng thủy có 41 liệt sĩ, 15 thương binh, 5 đại tá, 5 thượng tá, 13 trung tá Quân đội Nhân dân, 2 tiến sĩ, 5 thạc sĩ ngành Y, hàng trăm người có trình độ đại học và doanh nhân tiêu biểu...con cháu trong dòng họ có hàng nghìn đinh ở khắp mọi miền đất nước, dù ở đâu con cháu dòng họ Phan cũng luôn đoàn kết, thi đua lao động sản xuất và có rất nhiều con cháu thành đạt trên các lĩnh vực.
Sau khi Thủy tổ qua đời, các con cháu đã xây dựng ngôi từ đường để thờ phụng và ghi ân công đức, đồng thời trùng tu tôn tạo và đóng góp công sức, nhiều hiện vật quý. Từ những giá trị về lịch sử và kiến trúc nghệ thuật, di tích là nơi ghi nhận công lao của Thuỷ tổ họ Phan cùng con cháu trong công cuộc khai hoang lấn biển. Ngày 11/10/2021 Từ đường Thủy tổ họ Phan, xóm 2, xã Hải Minh, huyện Hải Hậu được UBND tỉnh Quyết định xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.
Tế Tổ - nghi thức được các dòng họ thực hiện dịp Rằm tháng Giêng - nét đẹp văn hoá truyền thống của dân tộcĐã trở thành thông lệ, cứ vào ngày 14 tháng Giêng, nhà thờ dòng họ Phan xã Xuân Giang, huyện Xuân Trường (Nam Định) lại tề tựu đông đủ con cháu. Không chỉ người ở gần mà hầu hết con cháu trong dòng họ trên mọi miền đất nước đều ghi nhớ truyền thống này. Đây còn là dịp để tôn vinh các gia đình đã có những đóng góp, làm rạng danh dòng họ. Lễ tế tổ được tổ chức trang nghiêm, tỏ lòng tri ân, tưởng nhớ tổ tiên.
Anh Phan Văn Chuyền - một người con của dòng họ Phan xã Xuân Giang, huyện Xuân Trường (Nam Định), hiện đang sinh sống tại Hà Nội chia sẻ: “Chúng tôi tâm niệm, lễ tế tỗ đầu năm là dịp để con cháu tìm về cội nguồn, tri ân tổ tiên, nên năm nào gia đình tôi cũng về”.
Đối với ông Phan Văn Đô - Trưởng họ ở xóm 22, xã Xuân Giang, huyện Xuân Trường (Nam Định) thì: “Lễ tế Tổ đầu năm là dịp để nhớ về cội nguồn, qua đó giáo dục bản thân và con cháu".
Cũng như họ Phan, họ Hà, họ Nguyễn, họ Vũ Nam Định, nhiều dòng họ khác ở Nghệ An vẫn giữ truyền thống tế tổ dịp đầu năm như một trong những nghi thức quan trọng nhất trong năm. Toàn huyện Diễn Châu có trên 900 chi, nhánh dòng họ, trong đó có trên 600 dòng họ đã xây dựng được nhà thờ họ khang trang và đã có 350 dòng họ đạt danh hiệu dòng họ Văn hóa. Vào dịp Rằm tháng Giêng hàng năm, tất cả các dòng họ ở Diễn Châu đều tổ chức lễ tế Tổ đầu năm.
Ông Vũ Hào - Hội đồng Gia tộc dòng họ Vũ, xã Diễn Kỷ cho rằng: “Nét đẹp của việc tế Tổ đầu năm, theo tôi thì các cụ đưa lên thành một truyền thống, ăn sâu vào tâm khảm và trí óc của mỗi người, mỗi tộc viên, cái đó thể hiện lòng nhớ ơn sinh thành của các cụ tổ tiên, đồng thời nhớ đến dòng họ của mình. Qua việc này, chúng tôi tổ chức khen thưởng các cháu học giỏi, đỗ đạt, nhắc nhở các cháu thực hiện nghiêm túc luật pháp của Nhà nước để xây dựng quê hương, xây dựng dòng họ ngày càng phát triển”.
Từ đời này sang đời khác, thờ cúng tổ tiên là một tín ngưỡng, một nét đẹp văn hoá của dân tộc. Hai yếu tố đạo lý và tín ngưỡng đã xây dựng nền tảng cho việc thờ cúng tổ tiên.
Quan điểm của ông Hoàng Minh Đạo - Nguyên Phó chủ nhiệm khoa Ngữ văn, Trường Đại học Vinh: “Người dân lấy ngày Rằm tháng Giêng (ngày Rằm đầu tiên của năm) gắn với lễ tế Tổ tức là gắn truyền thống của dân tộc để khởi đầu năm mới. Con cháu nhớ đến Rằn tháng Giêng là nhớ đến cội nguồn cha ông đã xây dựng nên đất nước”.
Cũng như rất nhiều dòng họ khác, người dân làng biển Thanh Hóa chọn ngày Rằm tháng Giêng để tổ chức nghi thức tế tổ, bởi đầu xuân, ánh trăng Rằm sáng tỏ làng quê, là dịp tốt để con người ta hoài niệm vẻ đẹp văn hóa truyền thống của nơi mình sinh ra.
Lễ tế Tổ dịp rằm tháng Giêng của dòng họ Hoàng Đức, xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc(Thanh Hóa)Là một dòng họ lớn của huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa, dòng họ Hoàng Đức đã duy trì truyền thống tế Tổ ngày Rằm tháng Giêng suốt hàng trăm năm nay. Thông thường, mỗi năm, gia tộc sẽ bầu ra một gia đình “đăng cai”, gia đình này có trách nhiệm đi mời anh em trong họ đến nhà mình họp họ và chuẩn bị công tác “hậu cần”, đó là việc tính toán chi phí, phân công các công việc cần thiết cho ngày chính thức tế tổ.
Sáng ngày Rằm, sau khi cỗ bàn được chuẩn bị xong thì lấy hai mâm cỗ đầy đủ nhất, một mâm cúng ở nhà “đăng cai”, còn một mâm cỗ kia thì phải gánh đến nhà thờ ông Tổ họ, thắp hương tại nghĩa trang, mời tổ tiên và các bậc tiền nhân về từ đường. Tối trước, dòng họ lại tổ chức lễ cúng túc yết. Mục đích là cho con cháu trong dòng họ tụ họp trước ngày Rằm tháng giêng, để không khí trong từ đường thêm ấm cúng, tránh tình trạng cúng xong ai về nhà nấy, nhà thờ không có người trông nom.
Đến sáng ngày Rằm đông đảo con cháu quy tụ tại nhà thờ tổ để thực hiện lễ chính tế. Đến đây, ai ai cũng thắp một nén hương lên ban thờ tổ tiên, cầu chúc cho anh linh những người đã khuất được siêu thoát, phù hộ độ trì cho quê hương, cho con cháu dòng tộc những điều tốt đẹp nhất.
Ngoài những dòng họ lớn như: Hoàng, Nguyễn, Tăng... nhiều dòng họ khác ở miền biển vẫn còn giữ nếp đi lễ nhà thờ họ dịp đầu năm như một trong những nghi thức quan trọng nhất trong năm. Tuy nhiên vì ít người, con cháu đi làm ăn xa, cách thức tổ chức lại có phần giản đơn.
Lễ tế Tổ đầu năm ở Việt Nam nói chung đã tồn tại hàng nghìn năm nay. Trải qua nhiều biến thiên của lịch sử, thay đổi của cuộc sống, lễ tế Tổ vào rằm tháng Giêng vẫn được các họ tộc lưu giữ. Đó là cách để con cháu bày tỏ lòng thành kính, biết ơn đối với tổ tiên, nguồn cội của mình để từ đó phấn đấu tốt hơn trong công việc, học hành.