Nghi lễ Lang Ndaw của chức sắc Kadhar
Mục đích của nghi lễ Lang Ndaw để đánh dấu một bước trưởng thành của chức sắc Kadhar sau một thời gian đã làm lễ nhập môn. Thực hành nghi lễ Lang Ndaw có ông Kadhar Gru, bà Pajau chứng kiến và hướng dẫn thực hành nghi lễ. Lễ tế trâu diễn vào 2 ngày chính, lễ vật gồm có: một con trâu, một con dê, bánh tét cặp, chuối, trầu cau, rượu trứng, bánh bột hấp, cá khô và trái cây…
Đầu tiên, các chức sắc lập bàn tổ (Rep danaok) khấn trình báo với tổ tiên trong gia đình biết về việc tổ chức lễ tế trâu. Qua đó, cầu xin tổ tiên phù hộ cho công việc được thuận lợi, thành công tốt đẹp. Các lễ vật được cất giữ trên xe trâu, rào kín bằng tấm liếp đan (Kateng), con trâu được dắt ra ngoài đồng để làm lễ tế.
Đối với người Chăm, việc tế trâu không được tổ chức trong khuôn viên sân nhà của gia đình, mà chỉ được phép làm lễ ở ngoài cánh đồng, xa khu vực dân cư sinh sống. Họ dựng một cái nhà lễ ở phía Tây che kín ba mặt, chỉ mở một cửa ở phía Đông làm không gian hành lễ. Buổi tối, phân công cho một người đàn ông làm nhiệm vụ canh giữ con trâu, không cho trâu được nằm ngủ, các chức sắc Kadhar hát lễ làm con trâu thức đến sáng.
Khi ánh nắng của buổi bình mình hừng sáng lên, con trâu được tắm rửa sạch sẽ, trang điểm và gắn 2 cây nến lớn vào cổ. Chức sắc Kadhar Gru dùng hai ngón tay cái khẩy dây đàn Kanyi đi đầu, ông Kadhar khác bước theo sau lưng vác thanh đao trên vai, đi ngược chiều kim đồng theo hình vòng tròn di chuyển xung quanh con trâu làm vật tế lễ. Sau đó, con trâu bị quật ngã xuống đất, chức sắc làm nghi lễ Lang Ndaw sử dụng một thanh đao sắc bén thực hiện động tác cắt tiết con trâu. Thịt con vật hiến tế được chế biến thành các món ăn để dâng cúng, phần đầu con trâu được đặt trước nhà lễ, 2 bắp đùi trâu treo ở bên trái nhà lễ.
Nghi lễ cúng cơm
Cúng cơm là nghi lễ thực hiện đầu tiên, trước khi hát thánh ca, dâng lễ vật và múa mừng. Lễ vật cúng cơm gồm có: 10 mâm cơm, trên mỗi mâm đặt 1 chén cơm vun đầy, 1 đĩa thịt trâu luộc, 2 chén canh lá môn, 2 chén canh chua lá me, 1 đĩa thịt trâu xào, rượu và một ít muối trắng. Các lễ vật đều được lót lá chuối, đặt trên mâm cao chân và gắn 1 cây nến làm bằng sáp ong.
Mở đầu lễ cúng cơm, ông Kadhar làm nghi thức khai ché rượu cần, mở ché rượu ra đổ nước vào, chất rượu cần ra đựng trong hũ gốm nhỏ (Blaoh) để dâng cúng. Bà Pajau ngồi tại vị trí trung tâm, ông Kadhar ngồi ở bàn tổ bên trái, quay mặt về phía Tây đầu nhà lễ khấn nguyện thần linh: Xin mời thần đến ngự trị tại bàn tổ nhận lễ vật và chứng giám nghi lễ Lang ndaw. Xin thần luôn phù hộ độ trì cho gia đình luôn hòa thuận, mọi sự như ý, cầu mong ông Kadhar làm nghi lễ Lang ndaw khỏe mạnh, học tập tiến bộ nhanh để phụng sự thần linh và giúp đỡ dân làng thực hành các nghi lễ của dòng tộc.
Lời khấn cầu được lặp đi lặp lại, lần lượt ông Kadhar, bà Pajau khấn mời tất cả các vị thần linh của người Chăm, những bậc sư tổ Kadhar và tổ tiên trong gia đình đến nhận lễ vật. Qua đó, cầu xin sự bình an, tha thứ những lỗi lầm trong cuộc sống, xóa hết nợ nần làm thần linh nổi giận. Nghi lễ cúng cơm kết thúc bằng lời khấn Halaih thuk siam - Bình an đến với mọi người.
Nghi lễ hát thánh ca và dâng lễ vật
Ông Kadhar sử dụng cây đàn kanyi tạo nhịp điệu hát lễ. Đặc điểm của cây đàn kanyi của người Chăm giống với đàn nhị, nhưng hộp đàn làm bằng mu con rùa có chức năng cộng hưởng âm thanh, cần đàn làm bằng thân cây tre, dây đàn làm bằng sợi chỉ, sợi cước trắng, vỉ đàn làm bằng lông đuôi con ngựa. Ông Kadhar mới được phép sử dụng cây đàn Kanyi để hát thánh ca kể về tiểu sử và công đức các vị thần ở trên đền tháp và các nghi lễ nhập Kut, Thrua, Puis và Payak của dòng tộc.
Người Chăm có tín ngưỡng thờ đa thần, mỗi lần hát lễ, ông Kadhar lần lượt hát về tiểu sử của các vị thần. Mỗi bài hát lễ có độ dài, ngắn khác nhau, có khi trầm lắng, có khi hào hùng, cao trào kết hợp với âm thanh du dương của tiếng đàn Kanyi làm say mê người nghe. Hát về vị thần Po Cei Tathun, ông Kadhar cầm khay rượu, trứng khấn mời, giọng hùng ca, nhịp vỉ đàn thánh thót mang đến một không gian âm nhạc linh thiêng. Những người xem lễ vỗ tay theo nhịp đàn kanyi. Hiện tượng lên đồng thường xuất hiện khi dâng lễ đến vị thần Po Cei Tathun, thần phán xét mọi sự việc. Cuối cùng, ông Kadhar lấy quả trứng đập bẻ vỏ mang biểu tượng thần đã nhận lễ vật.
Nghi lễ múa mừng
Ông Kadhar thực hiện nghi lễ Lang Ndaw múa đầu tiên để mừng sự thành công của buổi lễ. Đạo cụ múa của ông Kadhar là một chiếc khăn tay màu đỏ, theo nhịp vỗ của trống baranâng, lời hát và tiếng đàn kanyi. Ông Kadhar múa di chuyển về phía nhà lễ ở phía Tây rồi quay về phía Đông. Kế đến là bà Rija của dòng tộc múa, rồi lần lượt đến cụ ông, cụ bà và các chức sắc tham gia thực hiện nghi lễ múa mừng.
Múa là một đặc trưng nổi bật trong các nghi lễ của người Chăm. Có thể nói rằng, các nghi lễ nào của người Chăm cũng đều có tiết mục múa. Trong nghi lễ Lang Ndaw, múa cũng đóng vài trò quan trọng như múa cây nến (tamia kaik apuei dién), múa khăn, múa phồn thực (tamia halang halep) với nhiều biểu tượng, động tác giao cảm mang tính phồn thực, trời đất giao hòa, để con người, muôn vật sinh sôi và phát triển.
Thực hiện nghi lễ Lang Ndaw, ông Kadhar đủ tiêu chuẩn để đảm nhận các công việc dâng lễ trên đền tháp và phục vụ các lễ cúng của dòng tộc. Đồng thời, đánh dấu bước trưởng của ông Kadhar trong việc hành lễ và phụng sự thần linh. Qua đó, góp phần bảo tồn các nghi lễ truyền thống và di sản văn hóa lễ hội của người Chăm.