Ở thôn Làng Kim, xã Quang Kim, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, dòng họ Vàng có 45 hộ. Nhận thấy lợi ích của việc học tập và học suốt đời, sau khi nghỉ hưu với vai trò là Trưởng thôn, ông Vàng Văn Phủ, dân tộc Giáy đã đứng ra triệu tập họp họ, bàn việc thành lập dòng họ hiếu học, có tiêu chí cụ thể. Toàn bộ các gia đình thống nhất giao ông Phủ giữ Quĩ khuyến học dòng họ và tổ chức tổng kết, khen thưởng hằng năm. Theo đó, mỗi hộ gia đình đóng góp 200 ngàn đồng/năm vào Quĩ khuyến học của dòng họ Vàng. Số tiền này dùng để khen thưởng con, cháu trong dòng họ đạt kết quả cao hoặc có thành tích xuất sắc trong học tập, như: đỗ đại học, đạt giải thi cử các cấp, học thạc sĩ, tiến sĩ…
“Khi có các cháu đạt thành tích cao, trực tiếp trưởng dòng họ và đại diện các chi họ lập đoàn đến tận nhà trao thưởng, kịp thời để động viên và chia sẻ niềm vui với các cháu và gia đình. Qua đó, góp phần tạo động lực trong thi đua học tập, học suốt đời của các thành viên trong dòng họ. Đến nay, dòng họ Vàng ở Quang Kim có 6 người học đại học và 10 người học cao đẳng, trung cấp nghề, đó là những hạt nhân tiêu biểu về tinh thần hiếu học trong dòng họ, là niềm tự hào của cá nhân các gia đình cũng như cả dòng họ”, ông Phủ cho biết.
Toàn xã Quang Kim hiện có 16 Chi hội khuyến học cơ sở, với 5.641 hội viên. Do đặc thù là vùng đồng bào dân tộc chiếm đa số (chủ yếu là dân tộc Giáy) nên Hội tập trung mạnh vào tuyên truyền vận động để nâng cao nhận thức về khuyến học khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, bằng việc lồng ghép với các buổi họp thôn, sinh hoạt văn hóa - văn nghệ, ngày hội đại đoàn kết hằng năm. Đồng thời xây dựng các dòng họ hiếu học làm hạt nhân lan tỏa khuyến học, khuyến tài, xây dựng cộng đồng học tập, xã hội học tập ở địa phương.
“Trong năm 2023, Hội chúng tôi đã phối hợp với các đoàn thể của xã mở 2 lớp xóa mù chữ, 4 lớp học dạy nghề trồng rau và 2 lớp nuôi gà an toàn, góp phần nâng cao dân trí và áp dụng kỹ thuật vào sản xuất, đạt năng suất cao và bảo đảm an toàn thực phẩm. Hiện tại, các dòng họ Vàng, họ Liềng đã và đang lan tỏa phong trào hiếu học, thi đua sáng tạo ở địa phương, được cấp ủy và chính quyền sở tại ghi nhận, đánh giá cao”, ông Vũ Văn Sơn, Chủ tịch Hội Khuyến học xã Quang Kim thông tin.
Không chỉ Quang Kim, tại 20 xã, thị trấn của huyện Bát Xát đều xây dựng gia đình học tập, dòng họ hiếu học của các dân tộc thiểu số. Ở thị trấn Bát Xát có dòng họ Vũ hoạt động khuyến học từ năm 2013 đến nay. Hằng năm, các gia đình trong dòng họ đóng góp 300 nghìn đồng/hộ vào Quĩ khuyến học dòng họ để trao thưởng cho con, cháu học giỏi, thi cử đỗ đạt vào dịp đầu xuân năm mới. Nhờ khơi dậy tinh thần ham học, thi đua trong dòng họ và xã hội, đến nay dòng họ Vũ ở đây có 5 thạc sĩ, 123 đại học, 68 cao đẳng và công nhân kỹ thuật. Nhiều người tham gia công tác Nhà nước, khởi nghiệp thành công, góp phần phát triển kinh tế gia đình vững mạnh, 75% số hộ khá và giàu.
Theo ông Sa Anh, Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Bát Xát, đến nay tại 20 xã, thị trấn với 170 thôn, tổ dân phố của huyện có 270 chi hội Khuyến học, với hơn 15.000 hội viên. Các địa phương, cơ quan, đơn vị trong huyện đã xây dựng được hơn 18.000 gia đình học tập và 75 dòng họ học tập. Tiêu biểu như: Dòng họ Vàng ở Quang Kim, họ Vũ ở thị trấn Bát Xát, họ Ngô ở Trịnh Tường, họ Phan ở Mường Hum…. Rất nhiều gia đình học tập tiểu biểu là người dân tộc thiểu số, như: ông Vàng Văn Phủ, ông Liềng A Sơn người Giáy ở xã Quang Kim; bà Lý Tả Mẩy người Dao ở xã Tòng Sành; ông Ma Seo Lẳng người Mông ở xã A Mú Sung… Đó là những “hạt nhân” duy trì và lan tỏa phong trào hiếu học, học tập suốt đời trong mỗi gia đình và cộng đồng ở địa phương.
Do điều kiện kinh tế và nguồn lực có hạn nên Hội Khuyến học Bát Xát chú trọng xã hội hóa công tác khuyến học, khuyến tài để xây dựng cộng đồng học tập và xã hội học tập ở địa phương. Hội tích cực vận động Nhân dân, kêu gọi và kết nối các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài huyện ủng hộ tiền, vật chất để trao học bổng, tặng quà cho học sinh. Tổng cộng các nguồn ủng hộ Quĩ khuyến học hàng chục tỷ đồng, trao học bổng cho hơn 1.700 học sinh, xây dựng các điểm trường Séo Phìn Than, Tả Suối Câu, Séo Phìn Chư và bếp nấu ăn cho các trường học ở Nậm Pung, Sàng Ma Sáo, Pa Cheo, Cốc Mì…
“Đặc biệt, các Đồn biên phòng trên tuyến biên giới Bát Xát thực hiện chương trình “Nâng bước chân em đến trường” và đã đạt được hiệu quả tích cực. Từ năm 2016 đến nay, các Đồn đã nhận nuôi dưỡng 33 lượt học sinh thông qua mô hình “Con nuôi Đồn biên phòng”, các cháu được ăn ở, học tập tại Đồn, có cán bộ phụ trách chăm sóc hằng ngày, với mức 3 triệu đồng/tháng. Riêng Đồn Biên phòng Trịnh Tường làm điểm, hiện đang nhận nuôi 3 cháu học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại Đồn và hỗ trợ 10 cháu tại gia đình”, ông Sa Anh cho biết thêm.
Với những kết quả đạt được, các dòng họ khuyến học trên địa bàn huyện Bát Xát đã và đang khuyến khích tất cả mọi người dân đi học và cùng bảo đảm cơ hội cho người dân học tập; hỗ trợ giáo dục trong và ngoài nhà trường; liên kết, phối hợp với tất cả lực lượng trong xã hội để khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, góp phần tích cực vào việc nâng cao dân trí và sự phát triển kinh tế- xã hội ở địa phương.