Từng bước xóa bỏ phong tục lạc hậu
Thực hiện Dự án 9, thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719) thời gian qua, tỉnh Lào Cai đã triển khai nhiều biện pháp nhằm thay đổi nhận thức của đồng bào DTTS trong việc thực hiện các quy định về Luật hôn nhân và gia đình. Kết quả là đã tạo sự chuyển biến tích cực trong hành vi, nhận thức của cộng đồng, góp phần giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào DTTS.
Theo số liệu thống kê từ Ban Dân tộc tỉnh Lào Cai, trong 9 tháng năm 2023, tỉnh có 87 người chưa đủ tuổi kết hôn sống chung với nhau hoặc sống chung với người khác như vợ chồng, giảm 26% so với cùng kỳ năm 2022. Trong số đó, tảo hôn khi 1 người chưa đủ tuổi kết hôn là 55 người; tảo hôn khi cả 2 người chưa đủ tuổi kết hôn là 32 người; người dân tộc Mông chiếm chủ yếu, chiếm trên 95%.
Tình trạng tảo hôn, phụ nữ dưới 18 tuổi sinh con ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Lào Cai có xu hướng giảm nhưng chưa bền vững, chủ yếu ở địa bàn các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn; để lại nhiều hệ lụy cho cả gia đình và xã hội.
Mô hình “Bộ đội Biên phòng Lào Cai đồng hành cùng thôn, bản nói không với tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống”, được ra mắt tháng 10/2022. Đây là mô hình điểm đầu tiên của Bộ đội Biên phòng (BĐBP) cả nước, được triển khai thực hiện tại Đồn Biên phòng Tả Gia Khâu, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Lào Cai.
Từ năm 2021 trở về trước, hàng năm trên địa bàn đơn vị quản lý xảy ra từ 7 đến 10 cặp có dấu hiệu tảo hôn. Nguyên nhân của việc gia tăng tình trạng này xuất phát từ nhiều lý do khác nhau.
Trước hết, đó là do xuất phát từ suy nghĩ, thói quen của đồng bào DTTS, đối với họ, việc bỏ tiền ra cưới vợ cho con, cũng đồng nghĩa với việc trong nhà sẽ có thêm người làm, có thêm người cáng đáng việc gia đình. Do đó, việc cưới con dâu về nhà được diễn ra càng sớm lại càng tốt.
Mặt khác, do phong tục còn nhiều lạc hậu, trình độ dân trí của đồng bào các dân tộc thiểu số chưa cao. Điều này đồng nghĩa với sự hiểu biết và chấp hành pháp luật còn nhiều hạn chế. Ngoài ra, đối với một số gia đình, dù không muốn con mình đang ở độ tuổi học sinh mà đã sớm phải lo chuyện gia đình, nhưng vì con đã lỡ mang thai nên không còn cách nào khác là buộc phải tổ chức đám cưới, sinh con xong khi nào đủ tuổi thì đăng ký kết hôn.
Từ thực trạng trên với nhiều hệ luỵ từ tảo hôn dẫn đến đời sống của nhiều gia đình còn gặp nhiều khó khăn hơn, nhiều cháu bé sinh ra do thiếu kiến thức nuôi dưỡng, dẫn đến chậm phát triển, có nhiều cháu đến tuổi đi học không có giấy khai sinh, dẫn đến nhiều khó khăn cho công tác quản lý nhân khẩu, và giáo dục của địa phương.
Những hiệu quả bước đầu đáng khích lệ
Trong tháng 2/2023, trên địa bàn 2 xã Dìn Chin, Tả Gia Khâu (huyện Mường Khương) có 5 cặp có dấu hiệu tảo hôn, Đồn Biên phòng Tả Gia Khâu đã tham mưu, phối hợp cho UBND 2 xã, các ban, ngành đoàn thể đến từng gia đình để tuyên truyền vận động, ngăn chặn, sau buổi tuyên truyền các cháu có dấu hiệu tảo hôn đều trở về gia đình, tiếp tục học tập đợi đến khi đủ tuổi theo luật định thì đăng ký kết hôn theo quy định.
Sau khi triển khai, Ban Chỉ đạo đã phối hợp với các cấp, các ngành, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức 4 hội nghị tuyên truyền cho người dân tham gia sinh hoạt Mô hình điểm nói không với tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống với 520 người tham dự.
Tổ chức 13 hội nghị trực tiếp cho người dân tại các xã biên giới về Luật Biên phòng Việt Nam; về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Đối tượng tham gia là cán bộ lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể xã; Bí thư, trưởng thôn; già làng, Người có uy tín và Nhân dân các xã biên giới, với 2.240 người tham dự.
Đồn Biên phòng Tả Gia Khâu đã phối hợp cùng các thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ tư vấn 2 xã Dìn Chin, Tả Gia Khâu tổ chức 4 đợt tuyên truyền tại 17 thôn với 68 buổi/488 người tham gia; tuyên truyền bằng loa kéo, hệ thống truyền thanh của địa phương bằng tiếng phổ thông và tiếng dân tộc; tuyên truyền trực tiếp tại các hộ gia đình được 20 buổi/126 lượt người tham gia/6.565 lượt người nghe.
Phối hợp với cấp uỷ, chính quyền địa phương tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật tại các nhà trường cho các thầy, cô giáo và các em học sinh trường THCS 2 xã Tả Gia Khâu, Dìn Chin. Tổ chức cho 6.088 hộ gia đình trên địa bàn 2 xã tự nguyện cam kết về phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.
Sau 1 năm triển khai thực hiện Mô hình điểm “Bộ đội Biên phòng Lào Cai đồng hành cùng thôn, bản nói không với tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống”, Ban Chỉ đạo, Tổ tư vấn đã phát huy vai trò, trách nhiệm và nhận được sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành đoàn thể địa phương trong công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức, hiểu biết, thay đổi hành vi của đồng bào các dân tộc trên địa bàn đơn vị quản lý.
Đặc biệt là thanh, thiếu niên và cha mẹ của thanh, thiếu niên đối với tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, bằng việc đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật. Qua đó công tác can thiệp, làm giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn triển khai Mô hình bước đầu đã mang lại hiệu quả thiết thực, tình trạng tảo hôn đã được giảm thiểu rõ rệt so với thời điểm trước khi triển khai.
Đại tá Nguyễn Trọng Ngữ, Chính ủy Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Lào Cai cho biết: Thông qua mô hình điểm “Bộ đội Biên phòng Lào Cai đồng hành cùng thôn, bản nói không với tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống”, lực lượng đã kịp thời ngăn chặn 5 vụ tảo hôn.
Bên cạnh đó, Bộ Chỉ huy BĐBP Lào Cai đã chỉ đạo các đơn vị thường xuyên quan tâm giáo dục cán bộ, chiến sĩ thực hiện tốt kỷ luật trong quan hệ với Nhân dân, củng cố tình cảm, “gắn bó máu thịt” với Nhân dân trên khu vực biên giới, làm tốt công tác vận động quần chúng, xây dựng nền biên phòng, thế trận biên phòng toàn dân vững chắc, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới.