Đa dạng hình thức tuyên truyền
Với nỗ lực đẩy lùi nạn tảo hôn, Ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng thường xuyên phối hợp với các Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên và các ngành đoàn thể, địa phương thực hiện truyền thông, tuyên truyền bằng nhiều hình thức; tổ chức các hội nghị lồng ghép, hội thảo, tọa đàm, giao lưu văn hóa, hội diễn văn nghệ... Tuyên truyền thông qua đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, Người có uy tín trong đồng bào DTTS qua các cuộc hội nghị, các lớp tập huấn, bồi dưỡng cập nhật kiến thức…
Ban Dân tộc tỉnh đã phối hợp với các địa phương tổ chức 8 cuộc Hội nghị tuyên truyền, vận động ngăn ngừa tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS năm 2023 cho 800 đại biểu là Người có uy tín, các vị Archa, Ban Quản trị các chùa Phật giáo Nam tông Khmer, thành viên các hội đoàn người Hoa, phụ nữ, thanh niên, vị thành niên là người DTTS và người dân vùng đồng bào DTTS tại 8 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng. Đây là nội dung thuộc Tiểu dự án 2, Dự án 9 của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 (Chương trình 1719).
Thông qua các hội nghị tuyên truyền, vận động, tư vấn đã có tác động hiệu quả tích cực nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của xã hội, cộng đồng và người dân tuân thủ pháp luật, chuyển đổi hành vi trong hôn nhân của đồng bào DTTS theo đúng các quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, phù hợp với phong tục tập quán, văn hoá của đồng bào DTTS, nhằm ngăn chặn, xóa bỏ tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn Sóc Trăng.
Ngoài ra, các tổ chức Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, các cơ sở giáo dục cũng tích cực tuyên truyền giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Trong việc triển khai Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS giai đoạn 2015 - 2025”, các cấp hội phụ nữ đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thành lập các mô hình, câu lạc bộ phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS.
Tính đến nay, có 95% cán bộ, hội viên phụ nữ tại các địa bàn trọng điểm được tuyên truyền; 100% cán bộ, hội viên làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở tại các địa bàn trọng điểm được trang bị kiến thức pháp luật, kỹ năng tuyên truyền…
Hàng năm, Tỉnh hội đều tổ chức 11 cuộc nói chuyện chuyên đề dành cho học sinh trên địa bàn tỉnh nhằm phổ biến, nâng cao nhận thức, kiến thức về pháp luật, hướng dẫn các em thực hành những kỹ năng cơ bản để phòng, tránh và bảo vệ an toàn cho bản thân.
Đồng thời cũng lắp đặt 10 bản Pano có nội dung tuyên truyền giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đặt tại 10 Trường Phổ thông Dân tộc nội trú. Cấp phát 3.200 cuốn sách Luật Hôn nhân và Gia đình, 3.200 cuốn sách Luật Phòng chống bạo lực gia đình và 3.200 cuốn sách Luật Bình đẳng giới cho các em học sinh tại 10 Trường Phổ thông dân tộc nội trú trên địa bàn tỉnh. Tổ chức 10 cuộc Hội nghị tuyên truyền về giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cho trên 3.200 học sinh, giáo viên, nhân viên và phụ huynh học sinh của 10 Trường Phổ thông Dân tộc nội trú trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.
Em Thạch Anh Thư, học sinh lớp 9A2 Trường Phổ thông DTNT và THCS Trần Đề, chia sẻ: Thông qua các buổi sinh hoạt ngoại khoá chúng em được tìm hiểu và phổ biến về pháp luật. Đặc biệt là từ khi trong khuôn viên trường được lắp đặt Pano có nội dung tuyên truyền giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, em cùng các bạn được tìm hiểu kỹ hơn về những vấn đề liên quan đến pháp luật hôn nhân, gia đình, hiểu rõ hơn về những tác tại của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.
Từ sự linh hoạt, đổi mới, đa dạng trong cách truyền thông, tuyên truyền đã góp phần nâng cao nhận thức cho người dân về kiến thức pháp luật Hôn nhân và gia đình, những hệ luỵ từ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, từ đó nêu cao nhận thức pháp luật và có ý thức tuyên truyền để bảo vệ gia đình, người thân.
Tăng cường công tác giám sát
Nhằm ngăn chặn, tiến tới chấm dứt tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS Sóc Trăng, Ban Dân tộc tỉnh đã tham mưu cho Uỷ ban nhân dân tỉnh kế hoạch thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số”. Đồng thời phối hợp với các ban, ngành, địa phương tăng cường tuyên truyền, ngăn ngừa tảo hôn và hôn nhân cận huyết.
Trao đổi về vấn đề này, ông Lý Rotha, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng cho biết: Nhờ sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, địa phương và sự đồng thuận của toàn xã hội nên việc triển khai các chương trình, chính sách dân tộc trong đó có Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số” đã đạt kết quả khả quan, góp phần nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của người dân, đặc biệt là đối với đồng bào DTTS.
“Qua các hội nghị, tập huấn tuyên truyền triển khai thực hiện Đề án về hậu quả và hệ lụy do tảo hôn và kết hôn cận huyết thống mang lại, cán bộ tham gia Đề án, các vị Sư sãi Phật giáo Nam tông Khmer, Người có uy tín trong đồng bào DTTS cũng như người dân đã nhận thức được vai trò của mỗi cá nhân trong công tác ngăn ngừa tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, tình trạng hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào trên từng địa bàn từng nơi cũng có giảm” – ông Lý Rotha cho biết thêm.
Thời gian tới, Sóc Trăng tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc, chính sách dân tộc; Luật Hôn nhân và Gia đình, nhất là những tác hại, hậu quả của việc tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đến cán bộ, đảng viên và Nhân dân, đặc biệt là đồng bào DTTS.
Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nhằm sớm phát hiện các đối tượng có nguy cơ tảo hôn; phối hợp với gia đình, Người có uy tín trong đồng bào DTTS và các ban ngành, đoàn thể địa phương tuyên truyền vận động, thuyết phục đồng bào DTTS thực hiện đúng quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về tảo hôn và cán bộ, đảng viên vi phạm, thiếu gương mẫu đảm bảo kịp thời, không né tránh, không bao che, không ngại va chạm; nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện các nội dung liên quan đến việc giảm thiểu tình trạng
tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.
Từ sự vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể, đội ngũ chức sắc tôn giáo, Người có uy tín hy vọng rằng tình trạng tảo hôn trên địa bàn Sóc Trăng sẽ sớm được chấm dứt.