Thay đổi tư duy sản xuất
Triển khai thực hiện Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững” (gọi tắt là Cuộc vận động), năm 2021, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi đã xây dựng mô hình Tổ liên kết nuôi bò nhốt chuồng và triển khai đến 9 Chi hội phụ nữ trên địa bàn xã. Sau gần 03 năm hoạt động, 09 Tổ liên kết đã nhận được sự tham gia tích cực của các hội viên, hiện có hơn 130 hội viên phụ nữ tham gia và các hội viên phụ nữ đã thay đổi được nếp nghĩ, cách làm, cùng giúp nhau chăn nuôi hiệu quả.
Chị Y Tơi (dân tộc Gié Triêng) ở thôn Chả Nhầy, xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi chia sẻ: Khi Chi hội phụ nữ thôn tuyên truyền, vận động thì tôi đã tham gia vào Tổ liên kết nuôi bò nhốt chuồng. Gia đình đầu tư gần 5 triệu đồng để làm chuồng trại kiên cố và đưa 06 con bò từ trên rẫy về chăn nuôi. Từ khi nhốt chuồng giúp cho bò lớn nhanh hơn và ít bệnh tật. Có được phân bón cho cây trồng và bán lấy tiền mua sách vở cho con đi học.
Khi nuôi bò nhốt chuồng như vậy thì mang lại những hiệu quả rất tốt, đó là chị em kiểm soát được bệnh tật, dễ dàng trong quá trình chăm sóc bò, bò phát triển rất tốt. Giữ gìn được vệ sinh môi trường cho thôn, làng; giữ được đoàn kết hàng xóm, bởi vì khi nhốt chuồng thì bò không thể nào sẩy và không có ăn phá hoa màu của bà con hàng xóm. Nhìn thấy hiệu quả rõ rệt, từ đó các hội viên khác cũng học theo và đăng ký tham gia vào các Tổ liên kết nuôi bò nhốt chuồng - chị Y Chon, Chủ tịch Hội LHPN xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi cho biết.
Toàn huyện Ngọc Hồi có hơn 9.000 hộ đồng bào DTTS. Triển khai thực hiện Cuộc vận động, các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể đã tập trung chỉ đạo xây dựng kế hoạch, rà soát, xây dựng các mô hình triển khai thực hiện Cuộc vận động phù hợp đến từng đối tượng, từng địa phương. Qua đó, đã góp phần làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS từng bước thay đổi tư duy, mạnh dạn đổi mới cách thức làm ăn, tự lực vươn lên phát triển kinh tế, thoát nghèo.
Bà Đặng Thị Hạnh, Chủ tịch Uỷ ban MTTQVN xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi cho biết: Cả hệ thống chính trị cũng đã vào cuộc triển khai 10 tiêu chí của cuộc vận động đến với Nhân dân, đặc biệt là đồng bào DTTS trên địa bàn xã. Qua quá trình triển khai rất nhiều hình thức, cách thức triển khai thì người dân cơ bản đã nhận thức rất rõ về nội dung tiêu chí, đã có sự chuyển biến tích cực về cách thức thực hiện, cũng như cách nhìn nhận, nhận thức của bà con đã có sự khởi sắc, cách phát triển kinh tế cũng đã biết lấy ngắn nuôi dài, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi.
Sau 3 năm triển khai thực hiện Cuộc vận động, đến nay trên địa bàn huyện Ngọc Hồi đã xây dựng được 107 mô hình, thu hút hơn 740 hộ đồng bào DTTS tham gia. Tổng kinh phí thực hiện mô hình là hơn 520 triệu đồng. Qua đánh giá, đã làm cho hơn 500 hộ đồng bào DTTS nghèo, cận nghèo thay đổi nếp nghĩ, bỏ dần hủ tục lạc hậu, tự vươn lên thoát nghèo bền vững. Số hộ đồng bào DTTS nghèo, cận nghèo biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng ở địa phương, biết tích lũy vốn để đầu tư sản xuất là 526 hộ.
Ngày mới ấm no
Dạo trong khu vườn đầy cây trái, chị Đinh Nay Hoa (dân tộc Gié Triêng) ở thôn Đăk Răng, xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi chia sẻ: Khi được tuyên truyền các nội dung của Cuộc vận động tôi nhận thấy rằng gia đình mình phải thay đổi trong phương thức sản xuất. Từ đó, vợ chồng đã bàn và thống nhất phá bỏ 5 sào bời lời để đầu tư trồng hơn 500 cây ăn trái, gồm: Mít thái, sầu riêng, cam và đầu tư thêm hệ thống tưới nước nhỏ giọt giúp tiết kiệm nước. Nhờ áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất nên vườn cây sinh trưởng, phát triển rất tốt. Mỗi năm thu nhập cũng được gần 100 triệu.
Từ việc thay đổi nếp nghĩ, cách làm, hiện có 268 hộ đồng bào DTTS nghèo, cận nghèo có đời sống vật chất, tinh thần được cải thiện; 95 hộ đồng bào DTTS tham gia vào các tổ hợp tác, hợp tác xã; 191 hộ nghèo, cận nghèo là đồng bào DTTS thoát nghèo trong năm 2022.
Chị Y Hiệu (dân tộc Gié Triêng) ở thôn Nông Chả, xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi cho biết: Các ban, ngành trong xã đã vận động, tuyên truyền bà con Nhân dân thì đối với gia đình đã có một suy nghĩ là phải thay đổi tư duy, cách làm của mình để làm cho cuộc sống kinh tế ổn định hơn. Bằng cách là làm mô hình vườn ao chuồng ở trong nhà, thứ nhất là nuôi heo để cho thực phẩm sạch và cho phân bón trồng cây ăn trái; thứ hai là mở rộng thêm diện tích ao cá, vừa có thể cho thực phẩm sạch để trang trải cho cuộc sống.
Cuộc sống của đồng bào DTTS ở huyện Ngọc Hồi đang từng ngày khởi sắc. Có được những kết quả đó, chính là nhờ sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền và đặc biệt là các hội, đoàn thể trong công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên thực hiện Cuộc vận động.
Chị Y Tý, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi cho biết: Hội cũng phối hợp với các ngành đi xuống tuyên truyền, vận động thì nhận thức của bà con thay đổi rất nhiều, từ suy nghĩ và cách làm. Đặc biệt, trong sản xuất thì bà con áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, biết lựa chọn cây, con giống phù hợp với phong tục, tập quán, khí hậu, thỗ nhưỡng tại địa phương. Qua đó, đời sống của hội viên nông dân không ngừng được nâng cao, tỷ lệ hội viên thoát nghèo tăng dần qua từng năm.
Từ những kết quả đạt được, trong thời gian tới huyện Ngọc Hồi tiếp tục tuyên truyền, vận động đến cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và Nhân dân nắm rõ 10 điều biết trong cuốn sổ tay tuyên truyền về Cuộc vận động, làm cho đồng bào DTTS hiểu và nắm rõ mục đích, ý nghĩa của cuộc vận động. Đồng thời, thường xuyên theo dõi, kiểm tra, hướng dẫn, hỗ trợ đồng bào DTTS trong việc triển khai thực hiện mô hình; kịp thời đánh giá và nhân rộng những mô hình hay, cách làm hiệu quả trong việc thực hiện Cuộc vận động để tạo được sức lan tỏa trong cộng đồng dân cư, nhất là tại các thôn, làng vùng đồng bào DTTS.