Đồng bào Rơ Măm sinh sống tập trung ở làng Le, xã Mô Rai, huyện Sa Thầy. Dân số của làng Le hiện có 178 hộ, với 550 nhân khẩu, thì hơn 88% là đồng bào dân tộc Rơ Măm. Những năm qua, Đảng ủy xã Mô Rai đã lãnh đạo, chỉ đạo UBND xã triển khai kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, của tỉnh, đặc biệt là thực hiện kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum về thực hiện Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững”
Đồng thời, UBND tỉnh Kon Tum đã phê duyệt Đề án hỗ trợ phát triển KT-XH các DTTS rất ít người Brâu, Rơ Măm đến năm 2025. Tổng kinh phí thực hiện đề án gần 157 tỷ đồng; trong đó, đề án hỗ trợ phát triển cho dân tộc Rơ Măm trên 88 tỷ đồng.
Theo đó, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị phối hợp với đảng ủy, UBND các xã, thị trấn trên địa bàn tổ chức tuyên truyền trên sóng truyền thanh, tuyên truyền bằng xe lưu động, treo băng rôn, khẩu hiệu... về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các Nghị quyết của Tỉnh ủy, Huyện ủy, nhất là các lĩnh vực về đất đai, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, các mô hình hay, cách làm hiệu quả, gương đồng bào DTTS điển hình trong lao động sản xuất, nhằm thay đổi nhận thức, nếp nghĩ, cách làm để vươn lên thoát nghèo bền vững.
Theo bà Rơ Chăm Lan, Phó Chủ tịch UBND huyện Sa Thầy, trong quá trình triển khai, các địa phương rất chú trọng hỗ trợ về cây giống, chăn nuôi trâu, bò, hướng dẫn bà con ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất; chuyển đổi các loại cây trồng kém hiệu quả, sang các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao gắn với “Đề án mỗi xã một sản phẩm”; khuyến khích, vận động bà con tham gia các tổ hợp tác xã, trồng rừng, khoanh nuôi, bảo vệ và quản lý rừng..., đã từng bước giúp đỡ đồng bào Rơ Măm, vượt qua những hủ tục, tập quán lạc hậu, vươn lên thoát nghèo và từng bước cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Chị Y Tranh, làng Le, xã Mô Rai cho biết, trước kia đời sống của bà con đồng bào Rơ Măm rất khó khăn, dù cố gắng nhưng thiếu kiến thức sản xuất, thiếu vốn đầu tư phát triển kinh tế nên gia đình chị quanh quẩy với cái nghèo. Từ khi nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước, gia đình chị đã có vốn để trồng gần 5 héc ta cao su, lúa nước, mì cho thu nhập ổn định. Bên cạnh đó, gia đình chị còn được Hội phụ nữ xã hỗ trợ vốn ưu đãi, chị đã nuôi thêm 4 con bò; chồng chị được giới thiệu làm thợ xây để có thêm thu nhập. Nhờ đó đến nay, gia đình đã có của ăn, của để, nuôi dạy con cái ăn học.
Tương tự, gia đình anh A Khải, trước đây cũng thuộc diện hộ nghèo. Được sự quan tâm của các cấp chính quyền, anh đã quyết tâm vươn lên, đến năm 2020 gia đình anh đã thoát nghèo.
A Khải chia sẻ: Trước đây khi mới lập gia đình, vì điều kiện kinh tế còn khó khăn nên gia đình thuộc diện hộ nghèo. Mình vẫn luôn bàn với vợ, cần phải thay đổi cách làm kinh tế và phải cố gắng chăm chỉ làm ăn. Do vậy, cùng với 2 héc ta cao su được ba mẹ chia, gia đình đã vay mượn thêm vốn tín dụng ưu đãi để đầu tư vào chăn nuôi; tranh thủ đi làm thuê lúc nông nhàn để có thêm thu nhập. "Năm 2020, gia đình mình đã thoát nghèo. Thời gian tới mình sẽ nỗ lực làm ăn, để không bị tái nghèo", anh A Khải cho biết.
Anh A Thái, Bí Thư Chi bộ, Thôn trưởng làng Le phấn khởi thông tin, hiện nay bà con Rơ Măm đã có sự chuyển biến tích cực về nhận thức, thay đổi tập quán sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, qua đó từng bước cải thiện đời sống vật chất. Cuộc sống kinh tế bớt khó khăn, bà con ý thức được việc giữ gìn, duy trì một số phong tục bản sắc văn hóa tốt đẹp, như duy trì 3 lễ hội quan trọng nhất, liên quan đến vòng đời của cây lúa rẫy: Chọc tỉa, cúng mừng lúa lên đòng và cúng lúa mới...;
Bên cạnh đó, từ năm 2017, Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum đã nỗ lực mở các lớp truyền dạy nghề dệt thổ cẩm cho phụ nữ Rơ Măm ở làng Le. Qua đó, bước đầu đã giúp đồng bào Rơ Măm ở Làng Le khôi phục lại nghề truyền thống của mình, từ đó tạo “cú hích” để bảo tồn những giá trị văn hóa độc đáo của dân tộc. Đồng thời, bà con Rơ Măm cũng đang dần thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, bỏ dần những tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan làm ảnh hưởng đến kinh tế, sức khỏe và môi trường.
Hiện nay, các hộ gia đình người dân tộc Rơ Măm đã không còn bị đói, rét, bệnh tật; nhiều gia đình đã có ti vi để xem, có đài thu thanh để nghe tin tức, có điện thoại để kết nối thông tin liên lạc, có xe máy để đi lại, thậm chí có hộ còn mua được xe công nông, xe ô tô tải để phục vụ sản xuất, vươn lên làm giàu. Tất cả con em người Rơ Măm hiện đã được đi học, được cấp sách vở, được phát thẻ bảo hiểm y tế; nhiều cháu đã đỗ vào các trường cao đẳng, đại học…