Bắt đầu câu chuyện với chúng tôi, già làng A BLong kể: Làng Le là địa bàn cư trú của 120 hộ dân với khoảng 460 nhân khẩu người Rơ Măm. Đây là 1 trong số dân tộc rất ít người của Việt Nam. Người Rơ Măm sinh sống chủ yếu bằng nghề làm rẫy, trồng lúa, trồng cao su, trồng mì (sắn). Trong số những nghề phụ gia đình, nghề trồng bông, dệt vải được chú ý phát triển nhất.
Với vai trò là Người có uy tín của làng, bản thân ông và gia đình luôn đi đầu trong tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, đi đầu vận động nhân dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và phương thức canh tác truyền thống trước đây. Nhờ đó bà con trong làng đã học hỏi kinh nghiệm, làm theo để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Ông còn gương mẫu đi đầu thực hiện các mô hình sản xuất, vận động bà con ổn định, định canh, định cư, cải tạo vườn tạp, đất trống đồi núi trọc để tăng diện tích cây trồng, không phá rừng làm nương rẫy.
Cũng theo già làng A BLong, hầu hết trong các gia đình đều treo ảnh Bác Hồ trên bàn thờ. Có được cuộc sống như bây giờ là nhờ công ơn của Bác Hồ, người Rơ Mâm ai cũng coi Bác như người Cha trong gia đình. Mọi người trong làng đều lấy tấm gương đạo đức của Bác để học tập và làm theo nên trong làng không có trộm cắp, đoàn kết thương yêu và giúp nhau phát triển sản xuất.
Người Rơ Măm trước đây có rất nhiều hủ tục, bản thân ông đã cùng với các đảng viên trong làng đi đầu trong việc từ bỏ hủ tục và lưu giữ những phong tục, tập quán tốt đẹp. Hiện tại người Rơ Măm luôn duy trì 3 lễ hội quan trọng nhất liên quan đến vòng đời của cây lúa rẫy: chọc tỉa, cúng mừng lúa lên đòng và cúng lúa mới. Cùng với đó, là không gian văn hoá cồng chiêng cũng được dân trong làng giữ gìn và phát triển. Người dân làng Le hiện nay biết bảo ban nhau học tập, truyền dạy lại cho lớp trẻ cách đánh cồng chiêng, nhất là những bài chiêng dùng trong các lễ hội của dân tộc Rơ Măm. Cùng với lễ hội, tục lệ ma chay cũng được người Rơ Măm lưu giữ cho đến ngày nay. Các ngôi mộ của người Rơ Măm cũng được sắp xếp có trật tự. Tục lệ ma chay ngày nay đã có những thay đổi tích cực, đó là các gia đình không còn chôn chung người chết như trước…
“Trước đây người Rơ Mâm không ăn Tết Nguyên đán. Tết của người dân nơi đây là các lễ hội. Khoảng gần hai chục năm trở lại đây, người dân bắt đầu ăn Tết cổ truyền. Đặc biệt, những năm gần đây, hầu như nhà nào cũng biết gói bánh chưng. Từ ngày các chú bộ đội của Công ty 78, Binh đoàn 15 về làng cùng tổ chức ăn Tết với bà con nên vui hơn. Bây giờ bà con trong làng được bộ đội dạy cách trồng cao su, trồng cà phê, trồng mì. Cuộc sống ngày càng khấm khá hơn”, già làng A BLong chia sẻ.
Không những thế, nhờ già làng A BLong thường xuyên vận động, tuyên truyền, ngày nay, trẻ em dân tộc Rơ Măm được đến trường đầy đủ. Các gia đình đều có ý thức cho con đến trường. Cứ đến năm học mới, họ biết mua sắm quần áo, sách vở, đồ dùng học tập cho con cái học hành.
Bên cạnh đó, ông còn trực tiếp tham gia cùng lực lượng Công an, Biên phòng tuyên truyền thực hiện phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, qua đó tích cực cùng với bà con tham gia phòng chống các tệ nạn xã hội; không tin, không nghe theo những luận điệu lôi kéo, ép buộc, kích động của kẻ xấu; không truyền đạo trái pháp luật, gây rối trật tự xã hội, góp phần đảm bảo tốt an ninh, trật tự trong làng.
“Được ra Hà Nội dự Lễ Tuyên dương, tôi vui lắm! Đó là phần thưởng quý giá nhất đối với tôi. Tôi sẽ cố gắng nhiều hơn nữa để giúp quê hương, bản làng Rơ Măm ngày càng phát triển”, già làng A BLong bộc bạch.
THANH HUYỀN