Đến với Làng Văn hóa du lịch cộng đồng Nặm Đăm sau 8 năm triển khai xây dựng thôn văn hóa du lịch tiêu biểu (2012-2019), điều chúng tôi cảm nhận rõ nét chính là sự thay đổi trong lối sống, trong giao tiếp của đồng bào dân tộc Dao nơi đây. Tại thôn Nặm Đăm, 100% các hộ gia đình luôn làm tốt công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa qua những ngôi nhà trình tường, những bộ trang phục truyền thống...
Đặc biệt, với vị trí cửa ngõ của Cao nguyên đá, có lợi thế khí hậu mát mẻ, có nguồn dược liệu tự nhiên rất đa dạng, như: Giảo cổ lam, thảo quả, ba kích, đương quy, đan sâm, bạch chỉ... đồng bào Dao nơi đây đều tham gia trồng cây dược liệu và làm các loại hình phục vụ du lịch. Nhờ đó, đến nay, trong thôn chỉ còn 01 hộ nghèo, chiếm 5,8%, thu nhập bình quân của các hộ gia đình đạt khoảng 50 triệu đồng/người/năm.
Chị Lý Thị Liềm, thôn Nặm Đăm tâm sự: “Gia đình tôi đều tham gia dịch vụ du lịch, bố mẹ tôi tham gia trồng và hái cây thuốc, tôi làm việc ở khu dịch vụ tắm lá thuốc, với mức lương 3 triệu đồng/tháng phần nào cũng đã giúp tôi cải thiện kinh tế của gia đình”.
Từ những tiềm năng và thế mạnh trên, tỉnh Hà Giang đã và đang chú trọng phát triển cây dược liệu, xây dựng thung lũng thảo dược gắn với du lịch văn hóa cộng đồng Nặm Đăm đến năm 2021.
Theo kế hoạch, thung lũng thảo dược Nặm Đăm có quy mô 10 nghìn mét vuông, khoảng 150 loài cây thuốc; có hệ thống thông tin, xây dựng hệ thống nhà gỗ và các điểm cắm trại phục vụ khách du lịch có nhu cầu nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe tại vườn... Với thung lũng thảo dược Nặm Đăm, tỉnh Hà Giang phấn đấu trở thành tỉnh trồng cây dược liệu lớn nhất so với các tỉnh vùng Đông Bắc.
Thung lũng thảo dược Nặm Đăm được xây dựng thành công sẽ là mô hình nông thôn mới theo hướng phát triển sản phẩm từ dược liệu theo chuỗi giá trị gia tăng, gắn với hoạt động du lịch cộng đồng trên cơ sở khai thác các truyền thống văn hóa cộng đồng nhằm mang lại công ăn việc làm ổn định cho người dân địa phương, góp phần thực hiện thành công các tiêu chí khó nhất của Chương trình Mục tiêu quốc gia Xây dựng NTM đó là, thu nhập, lao động và giảm bền vững tỷ lệ hộ nghèo.
Ông Nguyễn Chí Thâm, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Quản Bạ cho biết: Huyện sẽ triển khai ngay việc lập quy hoạch tổng thể về không gian, ngành nghề và quy hoạch chi tiết đến từng hộ gia đình nhằm phục vụ xây dựng phát triển Làng Văn hóa du lịch cộng đồng Nặm Đăm gắn với xây dựng NTM. Huyện Quản Bạ mong muốn các cấp, các ngành tiếp tục hỗ trợ phát triển kinh tế gắn với xây dựng NTM, trong đó trọng điểm là phát triển sản phẩm OCOP và xây dựng Làng Văn hóa du lịch cộng đồng gắn với xây dựng NTM tại thôn Nặm Đăm.
Trong chuyến khảo sát và làm việc tại làng du lịch Nặm Đặm về ý tưởng quy hoạch, kiến trúc; phương án triển khai đầu tư, hỗ trợ hoạt động của Làng Văn hoá du lịch Nặm Đăm, ông Ngô Tất Thắng, Phó Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình NTM Trung ương cho rằng, để hoàn thành mục tiêu đó, huyện cần xây dựng cơ chế, cách thức quản lý tại Làng Văn hóa cộng đồng Nặm Đăm theo hướng chuyên nghiệp. Đồng thời đầu tư xây dựng cơ bản như xây dựng hệ thống giao thông tĩnh, giao thông động để phát triển du lịch toàn bộ. Địa phương cũng phải xây dựng hệ thống cây xanh và hoa, trong đó các cây xanh chủ yếu là cây dược liệu như gừng, riềng, hoa hồng, nấm... trồng rau hữu cơ để cung cấp cho người dân, khách du lịch và phát triển dịch vụ tắm thuốc lá người Dao. Huyện cần đưa ra các mô hình nhà mẫu để có giải pháp kỹ thuật xây dựng các mô hình nhà người Dao tại địa phương.
HỒNG MINH