Đa dạng hoá kênh bán hàng
Dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát, đã tác động không nhỏ đến mọi mặt của đời sống xã hội, nhiều hợp tác xã trên cả nước gặp khó trong quảng bá, tiêu thụ sản phẩm. Để nhanh chóng thích nghi với tình hình hiện nay, một số HTX nông nghiệp đã chủ động xây dựng website, tham gia các hoạt động kinh doanh, quảng cáo trực tuyến trên các trang mạng xã hội, sàn thương mại điện tử.
Nắm bắt được điều này, từ chỗ chỉ bán hàng theo hình thức truyền thống, đến nay, HTX Po Mỷ (Hà Giang) đã chủ yếu bán các mặt hàng nông sản, đặc sản OCOP địa phương thông qua hình thức bán hàng online.
Chị Lưu Thị Hòa, Giám đốc HTX nông-lâm nghiệp dịch vụ thương mại Po Mỷ cho biết, chỉ riêng một buổi livestream bán hàng qua phiên “Chợ đêm trên mây” trong khoảng 45 phút, HTX đã tiếp nhận 40 đơn hàng, với 1.000 chiếc bánh chưng đặc sản của cao nguyên đá Đồng Văn.
Hiện nay, HTX đều thực hiện livestream vào tối thứ Bảy hàng tuần trên fanpage để kết nối với khách hàng và tiếp thị sản phẩm. Nhờ đó, tỷ lệ tăng trưởng của các đơn hàng nông sản trong thời gian giãn cách xã hội lên tới 50%.
Khác với mặt hàng nông sản, mặc dù là sản phẩm dược liệu không có lợi thế về sức tiêu thụ như các sản phẩm nông nghiệp, tuy nhiên, trong đợt dịch này, HTX Sản xuất kinh doanh tổng hợp cây dược liệu xã Cự Nẫm (Quảng Bình) vẫn có thể xuất bán các lô hàng đến các tỉnh Tây Nguyên.
Chia sẻ về điều này, bà Nguyễn Thị Giang, Giám đốc HTX Sản xuất kinh doanh cây dược liệu xã Cự Nẫm cho biết: Thị trường tiêu thụ chính của HTX là các tỉnh phía Nam và TP. Hà Nội, Đà Nẵng. Tuy nhiên, thời gian qua, tại những tỉnh, thành này, dịch bệnh diễn biến phức tạp nên giao thông đi lại cũng rất khó khăn. Chính vì vậy, các sản phẩm dược liệu của HTX không thể xuất bán được.
Số lượng khách hàng cũ giảm hơn 70%. Để tìm đầu ra cho sản phẩm, HTX đã tăng cường đưa các sản phẩm lên sàn thương mại điện tử và trang fanpage của mình để quảng cáo. Trang fanpage có mục tư vấn riêng nên mọi thắc mắc của khách hàng đều được giải đáp. Nhờ đó, số lượng đơn hàng đặt trên trang là tương đối lớn. Vừa qua, HTX đã xuất bán một số lô hàng vào các tỉnh Tây Nguyên.
Đây chỉ là vài ví dụ trong số hàng trăm HTX trên cả nước đang chủ động ứng dụng chuyển đổi số tìm đầu ra cho sản phẩm của chính mình. Chuyển đổi số, bán hàng trên các sàn thương mại điện tử, website đang là cơ hội để mở ra thêm một kênh tiêu thụ mới cho các sản phẩm của các HTX trong thời gian tới.
Còn nhiều việc phải làm
Đa dạng các phương thức tiếp cận thị trường, một số HTX đang từng bước thích nghi trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp như hiện nay. Đồng thời, việc thay đổi phương thức kinh doanh, từ bán hàng truyền thống sang trực tuyến kết hợp giao hàng tận nơi, đã góp phần mở rộng đối tượng khách hàng của HTX, qua đó số lượng hàng hóa tiêu thụ cũng tăng đáng kể.
Chuyển đổi số được xác định là xu hướng tất yếu, để các HTX nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững, hiệu quả. Thông qua việc sử dụng mạng xã hội, xây dựng website, tham gia vào các sàn giao dịch thương mại điện tử... các HTX sẽ "rộng cửa" để quảng bá, giới thiệu, tìm kiếm thị trường cho sản phẩm của mình. Tuy nhiên, làm thế nào để các HTX có thể ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất và quản lý hiệu quả thì vẫn còn nhiều việc phải làm.
Thống kê cho thấy, trong 1.718 HTX ứng dụng công nghệ cao, chỉ có 240 HTX sử dụng phần mềm quản lý và sản xuất thông minh, chiếm 1,5%; trong đó, các HTX này chỉ tập trung vào ứng dụng công nghệ tưới tiêu, hệ thống nhà lưới, dán tem truy xuất nguồn gốc. Còn ứng dụng chuyển đổi số vào khâu chế biến, quản lý HTX, kinh doanh sản phẩm chưa thực sự được chú trọng…
Khảo sát về thực trạng ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số của Liên minh HTX Việt Nam mới đây cho thấy, hạ tầng và thiết bị phục vụ quá trình số hóa của HTX chỉ đạt 2,28/5 (điểm), mức độ hiểu biết về công nghệ thông tin và số hóa của lãnh đạo HTX ở mức 2,75/5, mức độ sẵn sàng đầu tư tài chính cho số hóa chỉ chiếm 2,38/5, mức độ về thực hiện chuyển đổi số và áp dụng công nghệ thông tin của thành viên HTX chiếm 2,42/5.
Điều này khiến các HTX nông nghiệp, rơi vào tình trạng không quản lý hiệu quả các nguồn lực và hạn chế sự tương tác giữa các tác nhân liên quan đến hệ sinh thái. Hơn nữa, mô hình sản xuất nhỏ lẻ, kém hiệu quả và thiếu liên kết chuỗi giá trị vẫn luôn là rào cản trong phát triển các HTX nông nghiệp.
Do vậy, để tháo gỡ những rào cản này, bên cạnh đầu tư công nghệ chế biến, chú trọng phát triển thị trường, thì chuyển đổi số và áp dụng công nghệ thông tin, được xem là giải pháp hiệu quả cho phát triển nông nghiệp Việt Nam nói chung và các HTX nông nghiệp nói riêng trong giai đoạn hiện nay.