Hiện nay, tỉnh Hà Giang có trên 370 HTX, với hơn 8.900 thành viên. Trong đó, huyện Quang Bình có 27 HTX sản xuất, dịch vụ nông nghiệp. Từ sự hoạt động hiệu quả của các HTX đã thúc đẩy, hỗ trợ người dân làm ra nhiều sản phẩm nông nghiệp mang tính hàng hóa chất lượng cao; Đồng thời, đưa các sản phẩm nông nghiệp đến tay người tiêu dùng nhiều hơn.
Ông Vũ Tiến Thành, Phó Giám đốc HTX nông nghiệp Thanh Thủy (xã Vĩ Thượng, huyện Quang Bình) cho biết, HTX thành lập năm 2017, với 7 xã viên, được UBND tỉnh Hà Giang hỗ trợ vay vốn không lãi suất gần 1 tỷ đồng. Năm 2019 doanh thu của HTX đạt gần 3 tỷ đồng. “Trước kia sản phẩm bà con phụ thuộc vào thương lái nhỏ, lúc cần thì không bán được. Nay thì bà con bán lúc nào cho HTX cũng được, giá cả bao giờ cũng được ưu tiên nhất”, ông Thành nói.
Xã Vĩ Thượng cũng là địa phương nổi tiếng với sản phẩm lúa, gạo. Từ khi xây dựng thành công mô hình HTX, đời sống của người dân được nâng lên rõ rệt. Ông Long Đức Trung, Bí thư Đảng ủy xã Vĩ Thượng cho biết: “Mô hình HTX rất hay, khi có HTX sẽ giúp bà con tiêu thụ hàng hóa, nông sản thuận lợi hơn. HTX sẽ đi tìm các đối tác bên ngoài để giúp đỡ nông dân”.
Yên Minh là một trong những huyện nằm trong vùng nguyên liệu nuôi ong của tỉnh Hà Giang. Nắm bắt được lợi thế trên, HTX Hoa Bạc Hà, huyện Yên Minh được thành lập vào cuối năm 2017 với ngành nghề chính là trồng trọt, chăn nuôi và chế biến các sản phẩm nông nghiệp. Trong đó, HTX Hoa Bạc Hà đã tập trung phát triển đàn ong, cũng như sản xuất sản phẩm mật ong đặc biệt này ra thị trường. Đến tháng 11/2020, HTX có 12 thành viên tập trung chủ yếu nuôi ong lấy mật; tổng số đàn ong HTX có trên 800 tổ, sản lượng mật hàng năm đạt trên 3.000 lít. Nhờ vậy, các thành viên trong HTX có doanh thu bình quân trên 100 triệu đồng/năm.
Anh Hà Văn Ngọc, thành viên HTX chia sẻ, từ khi tham gia HTX chúng tôi đều được tập huấn các quy trình, kỹ thật nuôi và khai thác mật. Ngay từ khai thác mật phải đảm bảo khi nào trên sáp ong đều vít nắp mật; những ngày nắng ấm mới thực hiện quay mật, không quay trong những ngày mưa hay sương mù, rét; mật khi quay xong phải được lọc tạp chất. Sau đó, mật được chuyển về đơn vị sản xuất sẽ tiếp tục được lọc lại một lần nữa đảm bảo loại bỏ hoàn toàn tạp chất trong quá trình quay mật. Đồng thời, mật phải được đưa vào máy hạ thủy phần, đảm bảo theo đúng tiêu chuẩn của Chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm mật ong bạc hà của Hà Giang do Bộ Khoa học và Công nghệ chứng nhận. Nhờ thực hiện đúng quy trình mà chất lượng mật tốt nên đã mang lại giá trị kinh tế cao hơn.
Từ thực tế cho thấy, hiện nay, các HTX ở Hà Giang ngày càng được mở rộng và đi vào hoạt động hiệu quả. Bằng các hoạt động tăng cường liên kết với các thành viên, các HTX đã phát triển nhiều sản phẩm có thế mạnh của tỉnh, như: Mật ong bạc hà, cam sành, rượu ngô men lá, thực phẩm qua chế biến. Tiêu biểu có các HTX: Tuấn Dũng (Mèo Vạc), Thiên Hương (Đồng Văn), Hải Khang (Bắc Quang)…
Bên cạnh đó, nhiều HTX thực hiện liên kết theo chuỗi giá trị áp dụng công nghệ cao, tiêu chuẩn sản xuất an toàn, ký kết tiêu thụ sản phẩm dài hạn với tổ chức, doanh nghiệp. Trong đó, có HTX Dịch vụ nông, lâm nghiệp tổng hợp Ngọc Sơn (xã Minh Ngọc, huyện Bắc Mê) được thành lập năm 2016. HTX này không chỉ là “điểm sáng” trong liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản địa phương mà còn tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật để phát triển bền vững.
Có thể nói, xây dựng mô hình HTX là hướng đi bền vững nhằm xóa bỏ tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ. Qua đó, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp và đóng góp thiết thực vào mục tiêu giảm nghèo, nâng cao đời sống người dân.
Để nâng cao chất lượng hoạt động của các HTX, thời gian tới Liên minh HTX tỉnh Hà Giang sẽ tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động; tập trung đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng cho người đứng đầu HTX; chú trọng bám sát thực tiễn, phù hợp với yêu cầu phát triển thị trường.
Đồng thời, tăng cường hỗ trợ, khuyến khích các HTX tham gia xây dựng các mô hình gắn với chuỗi giá trị để làm cơ sở nhân rộng; tích cực phát động và hưởng ứng các phong trào thi đua phát triển HTX.