Ứng dụng vào thực tiễn
Cũng như nhiều địa phương khác, nông nghiệp 4.0 của TP. Cần Thơ phát triển dựa trên nền tảng giống cây trồng, vật nuôi mới, vật liệu mới; các phần mềm, ứng dụng giúp nâng cao hiệu quả quản lý, năng suất, chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, tăng giá trị cho nông sản.
Năm 2020, TP. Cần Thơ được Đại học Cần Thơ hỗ trợ lắp đặt Thiết bị quan trắc Khí tượng Thủy văn tự động (hay còn gọi là Máy cảm biến Khí tượng Thủy văn) cho ngành Nông nghiệp. Đây là thiết bị do Trường Đại học Cần Thơ sản xuất, lắp ráp. Bình quân mỗi máy trị giá hơn 100 triệu đồng, thời gian sử dụng có thể từ 3-4 năm.
Có được những chiếc máy cảm biến thông minh này, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật TP. Cần Thơ đã triển khai áp dụng vào thực tế đồng ruộng, lồng ghép khi thực hiện các nội dung của dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững - VnSAT. Việc lắp đặt các Máy cảm biến Khí tượng Thủy văn cho cánh đồng lớn của các hợp tác xã (HTX) được dự án VnSAT hỗ trợ hạ tầng, kỹ thuật... đã nâng cao hiệu quả lúa vụ hè thu 2020. Những người nông dân tham gia cho biết, kết quả lúa xanh tốt, ít sâu bệnh và giảm được chi phí đầu vào từ 10-15% so với canh tác theo truyền thống.
Cũng ứng dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất nông nghiệp, vùng chuyên canh trồng rau muống của HTX rau an toàn Hòa Phát (ở Thới Hòa, phường Thới An, quận Ô Môn) đã lắp đặt hệ thống tưới phun tự động trên diện tích hơn 2ha trong tổng diện tích canh tác 6ha.
Ông Nguyễn Văn Bi, Giám đốc HTX rau an toàn Hòa Phát cho biết: “Trước đây, muốn tưới hết vườn rau phải tốn nhiều thời gian, giờ có hệ thống tưới phun tự động, chúng tôi chỉ cần nhấn nút điều khiển trên remote hoặc dùng điện thoại thông minh điều khiển chỉ mất 3-5 phút tưới, giúp tiết kiệm hơn 50% chi phí. Chúng tôi cũng áp dụng máy móc cơ giới vào khâu làm đất và vận chuyển sản phẩm, giảm chi phí nhân công và nâng cao thu nhập. Mỗi công đất có thể trồng rau muống tới 12 vụ/năm, lợi nhuận gần 100 triệu đồng”.
HTX Nông nghiệp Tân Thới 1 (huyện Phong Ðiền) cũng đã ứng dụng công nghệ 4.0 để nâng tầm sản phẩm sầu riêng của mình. Theo đó, HTX đã phát triển vườn sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP, có ghi chép sổ sách đầy đủ. Trên cơ sở đó, khi ngành chức năng hỗ trợ triển khai truy xuất nguồn gốc bằng mã QR cho sản phẩm thuận lợi hơn. Mỗi trái sầu riêng của HTX, đều được dán tem nhãn, khách hàng chỉ cần sử dụng điện thoại thông minh quét mã QR là có thể xác định được nguồn gốc sản phẩm. Nhờ vậy, người tiêu dùng có thể an tâm sử dụng và góp phần nâng tầm sản phẩm sầu riêng của HTX.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 4.0
Trong những năm qua, TP. Cần Thơ đã tổ chức nhiều hoạt động thúc đẩy ứng dụng công nghệ 4.0 cho nông dân nhằm phát huy thế mạnh, tiềm năng nông nghiệp. Cụ thể, tập huấn nâng cao kiến thức và kỹ năng cho nông dân ứng dụng khoa học kỹ thuật, sử dụng công nghệ thông tin, quảng bá hàng hóa qua mạng, đăng ký nhãn hiệu hàng hóa; hướng dẫn sản xuất theo quy trình tiêu chuẩn VietGAP, Global GAP…
Các tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ áp dụng ngày càng nhiều. Ðiển hình như mô hình ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt và ứng dụng điện toán đám mây; mô hình điều khiển tưới, phun thuốc bảo vệ thực vật tự động trên vườn cây ăn trái; lắp đặt thiết bị máy quan trắc khí tượng thủy văn tự động trên đồng ruộng… Ðặc biệt, nhiều sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn Thành phố được gắn mã QR truy xuất nguồn gốc.
Thực tế đó cho thấy, việc chú trọng ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất nông nghiệp của TP. Cần Thơ đã và đang mang lại những thành quả đáng khích lệ. Trong thời gian tới, Thành phố vẫn khuyến khích các HTX ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất nông nghiệp, trong đó bao gồm các lĩnh vực: Công nghệ sinh học trong nông nghiệp, kỹ thuật canh tác, công nghệ tự động hóa và sản xuất vật tư nông nghiệp, công nghệ thông tin trong quản lý và kinh doanh nông sản.
Theo nhiều chuyên gia đầu ngành, việc phát triển nông nghiệp 4.0 tại TP. Cần Thơ cần được nghiên cứu, xem xét thấu đáo. Địa phương không nên rập khuôn theo các mô hình nông nghiệp 4.0 đã thành công ở nước ngoài cũng như không nhất thiết phải áp dụng tất cả công nghệ liên quan đến nông nghiệp 4.0. Thay vào đó phải chọn lựa giải pháp sao cho phù hợp đặc thù riêng về điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng của địa phương.
Bên cạnh đó, Thành phố cũng nên chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn, cập nhật công nghệ, thiết bị thông minh cho cán bộ quản lý, nông dân, HTX. Như vậy mới có thể thúc đẩy ứng dụng được các tiến bộ kỹ thuật nông nghiệp 4.0 một cách toàn diện.