Homestay thay đổi bản Mường
Dịch vụ homestay ở Hòa Bình liên tục gia tăng ở các điểm du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 150 hộ làm du lịch cộng đồng, trong đó, riêng huyện Mai Châu có 117 hộ ở 8 xã, thị trấn. Những năm gần đây, tỉnh đã quan tâm đến phát triển du lịch nói chung, du lịch cộng đồng nói riêng như từng bước đầu tư cơ sở hạ tầng, tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ du lịch, hỗ trợ trang thiết bị cho các hộ làm homestay…
Để phát triển loại hình du lịch homestay, các hộ gia đình đã cải tạo ngôi nhà sàn và tự trang bị những đồ dùng cần thiết để phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân của du khách. Nơi nghỉ, ngủ được bố trí gọn gàng, sạch đẹp; chăn, đệm cũng được làm thủ công bằng những sản phẩm địa phương như đệm, gối bông lau hay bông gạo… Ngoài dịch vụ nghỉ ngơi cho khách, các gia đình còn kết hợp bán một số mặt hàng địa phương làm quà lưu niệm như: Thổ cẩm, quần áo dân tộc, đệm ghế, gối, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, mây tre đan… cùng các đặc sản mật ong hoa rừng, các sản phẩm từ quả sơn tra (táo mèo). Bên cạnh đó dịch vụ tắm lá thuốc dân tộc cũng được các gia đình xây dựng để thu hút du khách.
Mỗi homestay có thể đón khoảng 10 đến 30 du khách, giá một đêm nghỉ dao động từ 100.000 - 400.000 đồng/người. Du khách có nhu cầu ăn uống được tính 100.000 đồng/suất ăn. Những gia đình kinh doanh thêm mảng dịch vụ sẽ có nhiều khách lưu trú hơn ví như hộ ông Đinh Công Lon ở bản Ải, xã Phong Phú, huyện Tân Lạc hằng năm đón vài trăm đoàn khách mang lại một khoản thu nhập đáng kể. Ông Lon phấn khởi cho biết: “Từ ngày có dịch vụ du lịch homestay, các hộ gia đình có thêm thu nhập, tuy chưa ổn định song cũng góp phần quan trọng thay đổi cuộc sống. Như gia đình tôi có tháng đón đến 28 đoàn khách, thu nhập cũng được nâng cao”. Phải khẳng định rằng, loại hình du lịch homestay đã làm thay đổi bộ mặt bản Mường.
Giữ gìn bản sắc để phát triển du lịch
Mặc dù mô hình du lịch dịch vụ homestay trên địa bàn tỉnh đã bắt đầu khởi sắc, bước đầu đem lại lợi ích thiết thực về kinh tế cho người dân. Tuy nhiên, qua thực tế cho thấy, việc phát triển mô hình này vẫn còn những hạn chế, bất cập như: Chưa có sản phẩm du lịch đặc trưng, sự liên kết giữa các hộ gia đình làm du lịch còn nhiều hạn chế. Vấn đề nhân lực có trình độ trong lĩnh vực du lịch còn thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Các tuyến điểm du lịch chưa thực sự có sức hút… Đặc biệt, nhiều hộ gia đình muốn đầu tư, mở rộng và đa dạng các loại hình du lịch nhưng do gặp trở ngại về vốn nên khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện.
Ông Lưu Huy Linh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hòa Bình cho rằng: Đối với du lịch cộng đồng, yếu tố bản sắc văn hóa truyền thống có ý nghĩa quan trọng. Nếu tại điểm du lịch cộng đồng lại có sự pha tạp như xây dựng các công trình bê tông, nhà nghỉ… khi du khách đến họ không tìm thấy những bản sắc, không đáp ứng như mong đợi, họ sẽ không quay trở lại. Vì vậy, người dân cần có ý thức trong việc bảo tồn, gìn giữ các giá trị truyền thống để tạo sức hút, hấp dẫn du khách.
Theo ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Trưởng phòng Xúc tiến thương mại và du lịch, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Hòa Bình: Loại hình kinh doanh lưu trú homestay hiện nay rất phát triển tại một số huyện trên địa bàn tỉnh. Thời gian qua Trung tâm cũng hướng người kinh doanh homestay nắm bắt tốt nhu cầu thị trường du lịch để đầu tư có chiều sâu, hiệu quả. Phát huy thế mạnh tiềm năng để kinh doanh, từ đó giải quyết bài toán lao động tại địa phương cũng như tăng thêm thu nhập trên chính ngôi nhà của mình.
Du lịch cộng đồng không chỉ phát huy và gìn giữ văn hóa của các dân tộc mà còn góp phần nâng cao đời sống cho người dân nhiều địa phương. Hy vọng trong tương lai, sẽ còn nhiều homestay nữa được mở rộng và phát triển tại đây, đem lại nhiều lợi ích và giá trị bền vững cho cuộc sống của đồng bào vùng cao.