Trung tâm trưng bày, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp chủ lực huyện Hoài Ân (số 128 Nguyễn Tất Thành, thị trấn Tăng Bạt Hổ, huyện Hoài Ân), rộng 120 m2, được phân chia thành từng khu vực, gồm: Khu trưng bày sản phẩm bún, bánh, dầu thực vật, mật ong; khu trưng bày hàng trái cây, rau củ quả sạch; khu trưng bày sản phẩm gạo hữu cơ và các loại đậu; khu trưng bày các loại sản phẩm thịt gia súc, gia cầm đông lạnh; khu thu mua, sơ chế đóng gói sản phẩm.
Những sản phẩm được trưng bày, giới thiệu đều do các cơ sở hộ gia đình, hợp tác xã nông nghiệp, công ty, doanh nghiệp tại huyện Hoài Ân sản xuất, chế biến và đã khẳng định được thương hiệu, có chỗ đứng trên thị trường nông sản trong và ngoài tỉnh Bình Định.
Ông Nguyễn Xuân Phong, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân, cho biết với đặc thù là huyện trung du, miền núi, kinh tế của huyện Hoài Ân chủ yếu là phát triển nông, lâm nghiệp. Trong những năm qua, đặc biệt là từ năm 2016 đến nay, huyện đã tập triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng gia tăng giá trị; nhằm phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của địa phương.
Theo đó, Huyện ủy, UBND huyện đã chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương trong huyện thực hiện đồng bộ, quyết liệt các biện pháp, giải pháp phát triển ngành nông nghiệp; từ công tác quy hoạch, tổ chức sản xuất, hỗ trợ phát triển sản xuất với các mô hình, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu; thực hiện chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, quảng bá và giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng; cấp mã số vùng trồng; Đặc biệt, trong năm 2022, huyện đã tổ chức thành công Ngày hội Nông sản lần thứ nhất.
Với những giải pháp phù hợp với tình hình thực tế, đến nay toàn huyện có trên 3.932 ha các loại cây trồng như: Bưởi da xanh, dừa xiêm, bơ sáp, mít thái, na thái, sầu riêng… và đàn vật nuôi luôn duy trì ở mức cao so với các địa phương của tỉnh, nhất là đàn heo và gia cầm. Đặc biệt, có 7 sản phẩm được công nhận nhãn hiệu tập thể (Trà Gò Loi, Bưởi Hoài Ân, Dừa xiêm Hoài Ân, Heo Hoài Ân, Gà ta thả vườn Hoài Ân, Mít thái Hoài Ân, Tiêu hột Hoài Ân) và 1 sản phẩm Gạo hữu cơ đang đề nghị Cục Sở hữu trí tuệ công nhận; có 37 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP và 28 sản phẩm giao dịch trên sàn thương mại điện tử của tỉnh. Các sản phẩm nông nghiệp của huyện với những đặc trưng riêng được khách hàng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng, đã phân phối thông qua một số siêu thị, đại lý, cửa hàng trên nhiều tỉnh thành trong cả nước.
Để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, nhất là đưa các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện đến với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh; hình thành chuỗi liên kết bền vững, là kênh phân phối tin cậy cho các công ty, doanh nghiệp, UBND huyện đã hỗ trợ đầu tư Trung tâm trưng bày, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện. “Để Trung tâm đi vào hoạt động ổn định và nâng cao hiệu quả trong thời gian tới, huyện đề nghị ngành nông nghiệp huyện tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ Trung tâm trên các mặt hoạt động; đặc biệt chú trọng công tác xây dựng chuỗi liên kết, đưa sản phẩm vào các trung tâm thương mại, siêu thị; ký kết tiêu thụ với các công ty, doanh nghiệp gắn với công tác thu hút đầu tư; đồng thời, hướng dẫn các địa phương xây dựng các sản phẩm OCOP, hữu cơ, VietGAP, nhãn hiệu tập thể… để tăng tính cạnh tranh trên thị trường nhằm tạo sự tin tưởng đối với người tiêu dùng”, ông Phong cho biết thêm.