Trong những năm gần đây, khi người tiêu dùng và du khách thập phương đến du lịch trên Cao nguyên đá Đồng Văn đã phát hiện ra đặc sản mật ong bạc hà thì phong trào nuôi ong lấy mật ở Hà Giang mới thực sự được ưu tiên phát triển. Trong phong trào nuôi ong mật bạc hà trên vùng Cao nguyên đá phải kể đến gia đình anh Hoàng Thanh Đô tại Tổ 4, thị trấn Đồng Văn, huyện Đồng Văn.
Gia đình anh Đô duy trì nuôi thường xuyên từ 120-130 đàn ong. Nhờ có kinh nghiệm nuôi ong, nên mỗi năm, gia đình có thu nhập trên 250 triệu đồng từ bán mật ong, sau khi trừ mọi khoản chi phí. Ngoài ra, trên địa bàn 4 huyện vùng Cao nguyên đá còn nhiều gia đình khác có nguồn thu từ 100-150 triệu đồng từ nuôi ong bạc hà.
Xác định được thế mạnh từ nghề nuôi ong lấy mật hoa cây bạc hà, tỉnh đã ưu tiên tập trung phát triển đàn ong giai đoạn 2016-2020. Chính vì vậy, trong những năm qua, tỉnh Hà Giang đã đề ra các cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích, hỗ trợ các hộ chăn nuôi ong tại 4 huyện Cao nguyên đá. Từ những chính sách hỗ trợ của tỉnh, nghề nuôi ong khai thác mật hoa cây bạc hà tại 4 huyện này dần chuyển từ hình thức chăn nuôi tự phát, nhỏ lẻ sang nuôi ong tập trung với quy mô lớn. Từ đó hình thành các doanh nghiệp, các hợp tác xã (HTX) phát triển nuôi ong khai thác mật; với nguồn thu nhập của mỗi đơn vị từ 950 triệu đồng đến 1,6 tỷ đồng mỗi năm từ mật ong bạc hà.
Theo ông Nguyễn Trường Thành, Chi cục Trưởng, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm và thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Giang) cho biết, trên địa bàn tỉnh có hơn 47 nghìn tổ ong, sản lượng mật đạt trên 270 tấn/năm. Toàn tỉnh có 16 cơ sở, doanh nghiệp, HTX kinh doanh mật ong, bước đầu đã có liên kết với các hộ nuôi ong tại địa phương.
Bên cạnh đó, các sản phẩm chủ lực như cam sành cũng nhận được sự quan tâm đặc biệt từ chính quyền địa phương. Đến nay, diện tích cam sành toàn tỉnh là 8.732,8ha, chiếm 92,67% tổng diện tích cây ăn quả có múi, trong đó, cam trồng theo tiêu chuẩn VietGAP 3.527,71ha, chiếm 79,87% diện tích đang cho thu hoạch. Năng suất bình quân đạt 119,6 tạ/ha; sản lượng đạt 52.830 tấn; 80% sản lượng cam sành đáp ứng được yêu cầu về mẫu mã và chất lượng. Diện tích sản xuất lúa chất lượng cao là 7.368,3ha, sản lượng 38.088,1 tấn…
Tuy nhiên, mặc dù các sản phẩm chủ lực đã mang lại hiệu quả kinh tế, giúp nhiều gia đình có thu nhập khá, nhưng trên thực tế hiện nay vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Nhiều hộ thiếu vốn đầu tư sản xuất và kinh doanh nên quy mô nhỏ, sản lượng mật đạt thấp. Người dân chưa mạnh dạn tiếp cận các nguồn vốn hỗ trợ, các mô hình còn mang tính tự phát, thiếu sự liên kết.
Ông Nguyễn Trường Thành cho biết, trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp tỉnh Hà Giang sẽ tập trung chuyển đổi mạnh các diện tích, cây con hiệu quả thấp sang phát triển các loại cây trồng, vật nuôi chủ lực nhằm nâng cao giá trị sản xuất bình quân cũng như cải thiện thu nhập cho nông dân. Trong đó, phát triển diện tích, mở rộng đầu ra cho các sản phẩm được xem là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong giai đoạn 2016-2020.
HOÀNG QUÝ