Hoa văn của người Mông được hình thành qua những câu chuyện rất đỗi giản dị, mộc mạc nhưng tất cả những câu chuyện đó lại chứa đựng một triết lý nhân sinh cao cả. Xa xưa, khi “đất đai thật rộng lớn, con người thì ít, sinh vật thì nhiều. Những con vật lại dẫm đạp, phá hoại mùa màng của người Mông”, vì thế đồng bào đã nghĩ ra và thêu những hoạ tiết mang dấu ấn của những con vật ấy, những dấu chân voi, chân chuột, những móng lợn, để cùng nhắc nhở nhau thuần phục những con vật hoang dã trở thành bè bạn, thành những vật nuôi hữu ích trong nhà...
Ngày xưa cả người Mông Trắng và người Mông Hoa đều lấy hình tượng “con ốc sên” làm hình tượng chủ đạo trong thêu thùa trên áo, váy ... chính là để cầu mong một cuộc sống tốt tươi no ấm hơn. Đồng bào Mông cũng thêu hình xoắn ốc để thể hiện guồng quay của cuộc sống, sự lặp lại làm cho ta có cảm tưởng mọi vật dường như còn đó nhưng thật ra tất cả đã qua đi...
Hình ảnh thêu của đôi ốc sên là sự biểu hiện của cuộc sống lứa đôi, người Mông quan niệm “muốn sống tốt phải luôn có đôi, có như vậy thì cuộc sống mới hạnh phúc và cháu con đông đủ.
Hoa văn trang trí trên váy của người Mông rất cầu kì. Những ô trang trí, những đường diềm hình chữ nhật, chữ đinh, chữ công, được chuyển biến hết sức phong phú đa dạng, kết hợp với các ô hình quả trám, hoặc tam giác có các đường viền hình gẫy khúc trong các thể bố cục khác nhau, lúc thẳng đứng, lúc nằm ngang tạo cho các hoa văn sự linh hoạt. Những hoạ tiết biểu hiện cho sự biến chuyển của mặt trời, thời tiết, không gian và thời gian.
Người Mông thường sống trên những rẻo núi cao, nhiệt độ thường thấp, nhiều sương mù, nên màu sắc còn biểu trưng cho sự ấm áp, no đủ và khát vọng một cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.
Biểu tượng của sấm, chớp được thể hiện hoa văn hình rau dớn ở dưới gấu váy, đó là hai hình tròn có chung nếp tuyến chéo, thể hiện tín ngưỡng cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng thuận lợi. Ở nhiều dạng mô típ hoa văn trên nền vải, rồng là đường zích zắc ở giữa là các chấm biểu thị con mắt và có các xoắn ốc.
Các biểu tượng hoa văn gắn liền với cuộc sống như hình ảnh hoa đào, hình tượng thuộc lĩnh vực âm dương ở trên các mô típ hoa văn là các bông cúc, phổ biến nhất vẫn là các hình chữ thập + , chữ X. Với người Mông ở Bắc Hà, Lào Cai các hình tượng này là sừng trâu-con vật gắn với nhà nông. Con trâu là biểu tượng gắn với sự vận hành của mặt trăng, biểu hiện cho sự âm dương đối đãi, cho sự phát sinh và phát triển. Dạng mô típ này thường thấy trên y phục và trên mũ trẻ em người Mông…
Đồng bào Mông cũng tin hoa văn đẹp sẽ giúp liên hệ với thần linh, mời gọi tài thần, hỷ thần, phúc thần đến với gia đình ban phát điềm lành, xua tan điều dữ. Mỗi họa tiết cũng đáp ứng nhiều điều ước mong. Chẳng hạn như viên kim cương, hình vuông ý chỉ bàn thờ ông bà trong nhà cho sự bảo vệ của tổ tiên trước con cháu. Con hổ, con rồng tượng trưng cho quyền lực cao sang. Con rết lại thể hiện chủ nhân sở hữu hoa văn đó được mọi người kính trọng và đi kèm là tài chữa bệnh. Lưỡi câu cho cô gái lấy được chồng tốt. Hình tam giác, cái răng, vảy cá, hàng rào giúp lưu giữ linh hồn tốt, xua đuổi tà ma.
Ngôi sao tám cánh biểu tượng của bát tinh cát tường. Cùng nhiều vật chỉ vũ trụ, mặt trời, thời tiết, không gian và thời gian mong ước trời an vật thịnh, mùa màng bội thu.
Người Mông nặng tình với cây lanh là thế, và hoa lanh cũng đã đi vào họa tiết thêu của đồng bào Mông như một biểu tượng của sự nhớ nhung, của người phụ nữ Mông mỗi lúc lên nương không có chồng, con bên cạnh, chỉ có những cánh hoa lanh làm bạn.
Người Mông rất hay sử dụng họa tiết hạt xèo, bởi đây chính là biểu tượng của sự cứu đói, “Hạt xèo rất dễ mọc, đất xấu cũng mọc khỏe, cuộc sống người Mông sẽ được no ấm...”. Còn với hoa văn vai trâu, hoa văn răng bừa, người Mông luôn nhắc nhở nhau phải trân trọng, phải gìn giữ những công cụ đã giúp mình trong lao động sản xuất hàng ngày...