Khởi nghiệp được xem là “chìa khóa vàng” giúp vùng khó khăn, đặc biệt vùng đồng bào DTTS thoát nghèo bền vững. Nhận thức được vấn đề trên, những năm qua, trên địa bàn tỉnh Hà Giang, rất nhiều người trẻ thuộc đồng bào DTTS bằng ý chí, nghị lực đã vươn lên khởi nghiệp làm giàu, tạo ra công ăn việc làm, mức thu nhập ổn định cho nhiều người dân địa phương.
Câu chuyện về chàng trai người Giáy Lục Văn Truân (SN 1992, trú tại thị trấn Yên Minh, huyện Yên Minh, Hà Giang) là một ví dụ điển hình cho tinh thần vượt khó để khởi nghiệp nơi mảnh đất địa đầu Tổ quốc.
Vốn sinh ra trong một gia đình làm nông, anh Truân may mắn hơn nhiều bạn bè cùng trang lứa là được ăn học đầy đủ. Năm 2014, anh tốt nghiệp ngành thiết kế đồ hoạ và tìm kiếm được một công việc ổn định với mức thu nhập khá ở thành phố. Tuy vậy, thẳm sâu trong con người anh luôn nuôi dưỡng khát vọng, một ngày nào đó sẽ trở về để khởi nghiệp và làm giàu bằng những giá trị sẵn có trên chính quê hương mình.
Xuất phát từ suy nghĩ đó, năm 2016, anh Truân từ bỏ công việc ở thành phố để trở về quê nhà huyện Yên Minh. Tại đây, nhờ nguồn vốn vay từ Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT Chi nhánh huyện Yên Minh theo chính sách ưu đãi của Nghị quyết số 209/NQ-HĐND của Hội đồng nhân tỉnh Hà Giang, anh thành lập HTX chăn nuôi ong. Là người nhạy bén, anh Truân nhận thấy Hà Giang có cây hoa bạc hà chỉ mọc duy nhất tại cao nguyên đá Đồng Văn. Vì độ quý hiếm này mà cây hoa bạc hà được xem như một tài nguyên vô cùng có giá trị của cao nguyên đá, nhất là đối với ngành nuôi ong chất lượng cao. Từ thuận lợi trên, với số tiền 100 triệu đồng được vay vốn và gia đình hỗ trợ đầu tư, anh Truân mua những tổ ong đầu tiên về tự nuôi. Thời gian đầu, do thiếu kinh nghiệm và kỹ thuật chăm sóc nên một số đàn ong bay đi mất, số còn lại phát triển kém, không cho thu mật, thiệt hại lớn.
Tuy vậy, bằng ý chí và tinh thần ham học hỏi, anh Truân không quản ngại khó khăn đi khắp nơi để học hỏi thêm kinh nghiệm nuôi ong lấy mật từ những mô hình thành công khác. Khi đã có thêm vốn kiến thức, anh Truân tiếp tục mở rộng đầu tư.
Hiện nay, HTX của anh Truân đang nuôi khoảng 400 đàn ong. Để có sản phẩm chất lượng, an toàn đến với người tiêu dùng, anh đầu tư gần 300 triệu đồng xây dựng nhà xưởng rộng 150m2, mua máy hạ thủy phần và phá kết tinh mật ong. Điều đáng nói, xưởng sơ chế mật ong của anh cũng đạt tiêu chuẩn VIETGAP và chứng nhận an toàn thực phẩm (HACCP). Sản phẩm mật ong bạc hà, mật ong rừng của anh Truân được người tiêu dùng tin tưởng và có thị trường tiêu thụ ổn định tại các địa phương trên địa bàn tỉnh, cho thu nhập khoảng trên 200 triệu đồng/năm.
Không chỉ làm giàu cho mình, HTX của anh Truân còn góp phần tạo việc làm thời vụ cho 10 lao động thanh niên ở địa phương với mức thu nhập từ 3-5 triệu đồng/người/tháng. Mô hình làm kinh tế hiệu quả của anh được nhiều thanh niên tại địa phương quan tâm, tìm đến học hỏi, anh đều tận tình hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm.
Hay câu chuyện của chàng trai Lý Tà Giàng (SN 1994, trú tại huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang) cũng là điểm sáng về tinh thần khởi nghiệp của lớp người trẻ vùng đồng bào DTTS.
Chia sẻ với PV, anh Giàng cho biết, con đường khởi nghiệp của anh không hề dễ dàng như mọi người vẫn nghĩ. Sau khi học xong cấp 3, do điều kiện kinh tế gia đình không cho phép, anh xin vào Hợp tác xã (HTX) cộng đồng Nậm Đăm, nơi chuyên trồng, chế biến một số loại dược liệu để học việc. Sau một quá trình học hỏi kinh nghiệm, nhận thấy HTX Nậm Đăm cũng như một số HTX quanh vùng còn hạn chế ở việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm, nên anh Giàng đã quyết tâm thành lập Công ty Cổ phần Thảo dược Cao nguyên.
Chỉ sau một thời gian ngắn hoạt động, Công ty trở thành cầu nối quảng bá, phân phối hàng trăm sản phẩm dược liệu cho 5 HTX trên địa bàn huyện Quản Bạ. Để việc kinh doanh thuận lợi hơn, anh Giàng đã không ngừng học hỏi, tiếp thu và áp dụng những tiến bộ khoa học, công nghệ. Cụ thể, Công ty cập nhật kịp thời xu hướng bán hàng online thông qua các website, fanpage, facebook… nhờ vậy các sản phẩm được phổ biến rộng rãi hơn tới khách hàng.
Những tưởng công việc kinh doanh đang thuận lợi, thì dịch Covid-19 bất ngờ ập tới. “Dịch bệnh đã khiến việc làm ăn của công ty gặp vô vàn khó khăn. Khi lượng khách hàng sụt giảm lớn, giao thương cũng không thuận lợi. Không lâu sau, tôi đã chuyển giao việc kinh doanh, phân phối các sản phẩm từ dược liệu cho một đối tác khác”, anh Giàng chia sẻ thêm.
Sau khi dừng việc quảng bá, phân phối các sản phẩm làm từ dược liệu dân tộc, anh Giàng vẫn không từ bỏ quyết tâm làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình. Từ đó, anh chuyển hướng qua kinh doanh quán cafe. Hiện quán cafe của anh hoạt động khá hiệu quả khi thu lời mỗi năm trên 100 triệu đồng, tạo công ăn việc làm ổn định cho 5 tới 6 lao động là người đồng bào DTTS với mức thu nhập 5 triệu đồng/người/tháng.
Xác định phong trào khởi nghiệp là một trong những nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, UBND tỉnh Hà Giang đã ban hành Kế hoạch số 02/KH-UBND, ngày 4/1/2022 về hỗ trợ Chương trình khởi nghiệp giai đoạn 2022-2025. Đến nay, toàn tỉnh có 505 mô hình khởi nghiệp do đoàn viên thanh niên làm chủ, trong đó, tập trung nhiều tại các huyện: Đồng Văn, Mèo Vạc, Quản Bạ, Bắc Quang, Xín Mần, Hoàng Su Phì. Các mô hình, tổ hợp tác, HTX thanh niên được duy trì và nhân rộng, như: “Thanh niên làm kinh tế”, “Thanh niên giúp nhau phát triển kinh tế”... Cùng với đó, công tác hỗ trợ đoàn viên thanh niên tiếp cận, vay vốn được Đoàn Thanh niên triển khai hiệu quả thông qua nguồn vốn vay uỷ thác qua Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh. Quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp huy động ban đầu được hơn 5 tỷ đồng.
Với những kết quả đạt được, Hà Giang đặt mục tiêu, phấn đấu đến năm 2025, tỉnh tiếp tục hỗ trợ xây dựng 300 mô hình khởi nghiệp. Hình thành 20 doanh nghiệp khởi nghiệp có các sản phẩm OCOP gắn với hoạt động ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới, sáng tạo. Phát triển mạng lưới cố vấn khởi nghiệp với sự tham gia của 20 chuyên gia và 50 doanh nhân để hỗ trợ cho các ý tưởng, dự án khởi nghiệp. Đồng thời, kết nối nguồn vốn đầu tư cho các ý tưởng, dự án khởi nghiệp với tổng giá trị từ 10 tỷ đồng trở lên…
Có thể thấy, với sự hỗ trợ của các cấp, ngành, phong trào khởi nghiệp thoát nghèo của thế hệ trẻ thanh niên DTTS trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã và đang có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.