Huyện Ba Chẽ đã triển khai Đề án phát triển rừng trồng gỗ lớn giai đoạn 2019 - 2025, với mục tiêu đến năm 2025, hình thành và phát triển ổn định vùng gỗ lớn, với quy mô 5.000 ha nhằm đáp ứng nhu cầu gỗ lớn phục vụ chế biến sâu và xuất khẩu.
Chương trình phát triển trồng rừng cây gỗ lớn như lim, lát, sồi…, được kỳ vọng mang lại “lợi ích kép“ vừa nâng cao giá trị sản xuất, kinh doanh rừng, giảm nghèo bền vững, vừa góp phần điều tiết nguồn nước, bảo vệ môi trường.
Để thực hiện mục tiêu Đề án, tháng 10/2021, UBND huyện Ba Chẽ đã thành lập Tổ công tác tuyên truyền, vận động các hộ gia đình, cá nhân, doanh nghiệp đăng ký thực hiện hỗ trợ trồng rừng gỗ lớn, trồng cây bản địa năm 2022, tại các thôn trên địa bàn.
Theo đó, năm 2022, Ba Chẽ đăng ký trồng mới 510 ha rừng gỗ lớn, trong đó, người dân 140 ha, 370 ha còn lại giao về doanh nghiệp, các chủ rừng. Tuy nhiên, đến hết quý I/2022, tỷ lệ trồng mới đạt 24,4%.
Sự chậm trễ không đúng tiến độ này, là do người dân cũng như doanh nghiệp Ba Chẽ còn nhiều băn khoăn, lo ngại khi đầu tư vào việc trồng rừng gỗ lớn nên e dè đăng ký tham gia.
Anh Triệu A Tài, một trong số những người dân đã đăng ký trồng rừng ở xã Thanh Sơn, huyện Ba Chẽ chia sẻ: “Khi đăng ký và trồng cây rừng gỗ lớn, chúng tôi được hỗ trợ 15 triệu đồng/ha và được vay vốn lãi suất thấp. Thế nhưng, tiền bỏ ra đầu tư cao mà trồng lâu lắm, phải đến cả 50 năm ấy chứ. Sợ là không đủ sức, đủ tiền mà chăm và chờ cho đến khi khai thác”.
Không chỉ người dân, mà ngay cả một số doanh nghiệp có nhận quản lý diện tích đất rừng trên địa bàn huyện, cũng còn nhiều lo lắng, chưa thực sự mạnh dạn đầu tư.
Trao đổi với phóng viên, ông Chìu Văn Quỳnh, Phó tổng Giám đốc công ty Lâm nghiệp Ba Chẽ cho biết, bình quân 1ha tiền đầu tư, chăm sóc cây rừng gỗ lớn cho đến khi thu hoạch sẽ phải đầu tư khoảng 100 triệu đồng/ha nên lo ngại không đủ tiềm lực kinh tế theo đuổi.
“Do còn băn khoăn, chưa biết hiệu quả trồng cây gỗ lớn ra sao, nên ngoài diện tích đã đăng ký trồng năm 2022, Công ty lâm nghiệp Ba chẽ cũng chưa đăng ký trồng thêm diện tích cây gỗ lớn cho các năm sau”, ông Quỳnh cho biết thêm.
Xã Đồn Đạc là địa phương có tỷ lệ trồng cây rừng lớn nhất trên địa bàn huyện, với 14/16 tổng số ha, đạt 80% kế hoạch được giao. Tuy nhiên, địa phương cũng đang gặp khó trong việc trồng rừng cây gỗ lớn.
Ông Lưu Minh Thắng, Chủ tịch UBND xã Đồn Đạc, cho biết: “Mong rằng tới đây tỉnh tiếp tục quan tâm về mức hỗ trợ trồng gỗ lớn cho người dân. Do chu kỳ trồng gỗ lớn thời gian dài, người dân mong muốn vay vốn trồng gỗ lớn tăng lên gấp đôi và thời gian vay vốn kéo dài ra”.
Nắm bắt những khó khăn của người dân và doanh nghiệp trồng rừng gỗ lớn, huyện Ba Chẽ đã đề xuất với tỉnh Quảng Ninh, bổ sung thêm một số chính sách đặc thù để khuyến khích phát triển lâm nghiệp bền vững.
Đồng thời, huyện cũng đã phối hợp với 15 doanh nghiệp, chủ vườn ươm cung ứng giống cây trồng chất lượng cao; nhân rộng mô hình trồng cây ba kích tím, trà hoa vàng dưới tán rừng gỗ lớn để "lấy ngắn nuôi dài" nâng cao hiệu quả trồng rừng.
Ông Đỗ Khánh Tùng, Chủ tịch UBND huyện Ba Chẽ, nhấn mạnh: Việc thực hiện hiệu quả Đề án trồng rừng gỗ lớn sẽ mang lại lợi ích kép về kinh tế - môi trường, đặc biệt là khu vực rừng đầu nguồn sông Ba Chẽ và làm cơ sở để tổ chức chỉ đạo, điều hành nhiệm vụ phát triển lâm nghiệp trong giai đoạn tiếp theo. Do vậy, huyện Ba Chẽ vẫn sẽ tiếp tục nghiên cứu, tìm những giải pháp khắc phục.