Ông Vừ Rả Tênh rơm rớm nước mắt khi nhắc đến người cha quá cố của mình: “Bố tôi tên là Vừ Pà Rê. Ông làm Phó Chủ tịch xã Tây Sơn cho đến năm 1988 thì nghỉ hưu. Những buổi rảnh rỗi đi rừng với bố, tôi thấy ông thường thở dài, rồi nghẹn ngào nói với chúng tôi: Ngày xưa, cả vùng này bạt ngàn pơ mu, có nhiều cây đã hàng trăm năm tuổi. Rừng của trời trồng đấy. Vào những năm 1990, một đơn vị khai thác lâm nghiệp vào khai thác gỗ, họ dọn sạch trơn chỉ trong vòng 3 năm, bất kể cây to hay nhỏ”. Ông Tênh cũng thở dài: Cả dãy Pu Lon này gần như bị cạo trọc. Bố tôi buồn lắm, ông nói, con cháu sau này lớn lên dễ mà không còn nhận biết cây pơ mu của quê ta nữa.
Nghỉ hưu, bố Vừ Pà Rê cứ lang thang trong rừng, mỗi bữa mang về một ít cây pơ mu nho nhỏ, trồng giắm vào các khu đất gần nhà. Một hôm, ông gọi 6 người con đến và nói: “Rừng trời trồng đã bị khai thác hết rồi. Cha con ta phải trồng lại rừng thôi, phải trồng lại rừng cho đời sau”.
Vâng lời cha, ông Tênh và các anh em đã cơm đùm cơm nắm vào rừng. “Đi mất cả buổi sáng chúng tôi mới đến được khu rừng còn có ít cây pơ mu sót lại. Ngày tìm, đêm nghỉ, mà mỗi người cũng chỉ đào được chừng vài ba chục cây giống cao chừng nửa mét. Hết chuyến này đến chuyến khác, 7 cha con tôi cứ miệt mài tìm cây…”.
Những cây pơ mu đầu tiên đã được cắm xuống khu đồi Huồi Giảng, vốn trước đây là cánh rừng pơ mu ngút ngàn. Nhưng để nhanh chóng phủ xanh một diện tích lớn như vậy thì chỉ cha con cụ Rê không thể kham nổi. Cụ cùng các con đi vận động dân bản thì gần như ai cũng lắc đầu: “Cây nhỏ thế này đến bao giờ mới bán được gỗ”.
“Cha tôi mang theo khát vọng trồng rừng đi gặp ông Vừ Chồng Pao, lúc bấy giờ là Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn. Ông Pao mừng lắm, khen ngợi cha tôi và quyết định đưa Dự án 327 về xã Tây Sơn, để mọi người cùng chung sức trồng lại rừng”, ông Tênh nhớ lại.
Có Dự án, có tiền nhưng bà con vẫn không ưng cái bụng, họ cho rằng trồng cây lâu ăn quá, không bằng đi rừng. “Phải thông cảm cho bà con, hồi đó đói lắm, lo cái ăn từng bữa chưa đủ, nói chi đến trồng rừng”, ông Vừ Giống Phử, người con thứ 5 của cụ Rê chia sẻ.
Ông Phử xúc động: “Cha tôi không một chút nản chí, ông nói, không ai trồng thì ta trồng thôi. Thế là 7 cha con chúng tôi lại lên rừng tìm cây về trồng”.
Nhưng cây pơ mu giống cũng hết. Cụ Rê lại vận động các con tìm hái quả pơ mu về ươm giống. Mỗi quả pơ mu chỉ có khoảng từ 5 đến 10 hạt nhỏ li ti, phải phơi phóng cho đủ nắng, rồi ngâm nước ấm với tỷ lệ nhất định nó mới chịu nảy mầm. “Bị hỏng nhiều mẻ lắm, hạt bị thối hết. Cha con tôi phải thử hết cách này đến cách khác. Ngày hạt pơ mu nảy mầm, cả nhà vui lắm. Tôi nhớ như in nét mặt của cha tôi, rạng ngời, ông nói cười suốt cả ngày”, ông Phử nói như reo.
Rồi lại mất thêm vài ba tháng, cây pơ mu mới lên được chừng một gang tay, lúc này mới đem ra trồng. Cứ thế, hết đợt này đến đợt khác, cây lớn đến đâu, cha con cụ Rê lại mang ra rừng trồng đến đó. Ông Phử nhớ lại, cha tôi bảo, trồng đến bao giờ hết đất trọc ở xã Tây Sơn này mới thôi.
Cho nhiều đời sau
Theo chân những người con của cụ Rê và cả một “đoàn khách du lịch nhí”, chúng tôi cùng lên núi. “Hiếm hoi lắm hôm nay mới có ánh mặt trời”, ông Vừ Rả Tênh huơ huơ hai bàn tay như để được sưởi ấm. Những hàng cây pơ mu gần 30 năm tuổi dần dần hiện ra trước mắt chúng tôi, thẳng tắp, xanh ngát. Trên đỉnh đồi, chủ nhân cho đặt nhiều ghế gỗ để mọi người có thể nghỉ ngơi, xa xa mạn phía Tây là một số xích đu, võng để trẻ con nô đùa.
Tôi ngửa mặt đón những tia nắng yếu ớt xuyên qua những tán lá dày đặc, thoả sức hà hít mùi tinh dầu pơ mu thơm nức, thật là sảng khoái. Những cái mệt nhọc của buổi leo núi vừa rồi đã tan biến tự lúc nào, tôi khe khẽ: “Có một cây là có rừng và rừng sẽ lên xanh”.
Ông Vừ Rả Tênh cười thật hiền từ, nhỏ nhẻ hoài niệm: Trước lúc mất, cha tôi đã chia đều các khu rừng cho các con và dặn dò, khu rừng phải để lại cho đời sau, phải làm khu sinh thái để mọi người đến nghỉ dưỡng và nhất là ông cứ nhắc đi nhắc lại là, phải để cho con cháu đời sau biết cây pơ mu của quê hương mình. Vì thế mà anh em chúng tôi đã góp tiền để mở đường lên rừng, sắm sanh ghế bàn, võng, xích đu… để ai cũng được đến nghỉ ngơi.
“Mùa này lạnh nên ít người, chứ mùa Hè thì các cháu thanh niên lên đây đông lắm, người từ các huyện khác cũng tìm đến. Gia đình không hề thu tiền, chỉ mong các cháu đến càng đông càng tốt, lúc đó ý thức bảo vệ rừng chắc chắn sẽ được nâng lên”, ông Tênh tâm sự.
Từ trên đỉnh đồi Huồi Giảng, phóng mắt ra xa đến tận đỉnh Pu Lon, ông Tênh cho biết, 7 cha con ông đã trồng được tổng cộng 48ha rừng pơ mu. Và, sau khi cha con ông ươm giống thành công, những khu rừng pơ mu đã thành hình hài, một số bà con trong xã cũng đã tích cực trồng rừng. Vì thế mà đến nay, xã Tây Sơn đã trồng lại được gần 70ha rừng pơ mu.
“Không chỉ người dân trong xã mà người các xã khác muốn trồng pơ mu, cha tôi đều cho giống và chỉ dạy cách trồng rừng rất tỉ mỉ. Ông Vừ Vả Chống ở xã Huồi Tụ, người rất thành công với rừng pơ mu là “học trò” cưng của cha tôi đấy”, ông Tênh cho biết.
Bên gốc cây pơ mu mỡ màng, ông Vừ Rả Tênh cười thật tươi và nói, anh em chúng tôi hứa với nhau rồi, không bán rừng đâu, phải để lại cho nhiều đời sau…