Đau đáu vì rừngCòn nhớ, lần đầu tôi tình cờ gặp anh Lù A Sáy trong một chuyến đi công tác viết bài về tình trạng phá rừng ở khu bảo tồn thiên nhiên Tà Xùa cách đây khoảng 8 năm. Khi đó, nghe mọi người kể về anh Lù A Sáy là một người “khùng” khi vào rừng tìm hạt pơ mu về trồng-cây gỗ mà người già vùng cao cho rằng “trồng pơ mu còn khó hơn lên trời”. Thậm chí, đến chúng tôi lúc đó cũng có suy nghĩ chủ quan rằng “Đúng là việc trồng pơ mu là quá khó và chả biết bao giờ mới được hưởng lợi nếu hạt có nảy mầm”…
Câu chuyện về chàng thanh niên người dân tộc Mông cũng bẵng đi một thời gian dài. Và chuyến công tác vừa rồi có dịp lên với vùng cao xã Tà Xùa tôi lại vô tình được nghe kể về anh, nhưng lại là câu chuyện về một người đang sở hữu nhiều pơ mu nhất Việt Nam, người đã có công “vá lại những cánh rừng”, người đã làm thay đổi suy nghĩ của đồng bào vùng cao khi cho rằng “cây pơ mu chỉ để khai thác, chứ không thể trồng được”. Thế rồi câu chuyện về anh Lù A Sáy đã thôi thúc trí tò mò của tôi…
Tìm đến bản Tà Xùa C, nơi có nhà anh Lù A Sáy không khó, vì khi hỏi ai cũng đều biết tới anh. Tuy nhiên, con đường đất ngoằn ngoèo, lúc lên lúc xuống, rộng chừng nửa mét dẫn về nhà anh, phía tay phải là tà luy âm lại cực kỳ khó đi. Ngồi sau xe máy phải liên tục nín thở, gồng mình, tay ghì chặt ghi đông xe vì cảm giác như đang cưỡi trên một con ngựa bất kham…
Thật may khi đến, anh Sáy đang ở nhà. Nếu chậm chừng 5 phút nữa là 2 bố con anh sẽ lên đồi pơ mu cách đó khoảng 3km. Và cũng theo lời anh Sáy thì quả đồi này rộng chừng 2ha, trước đây bạt ngàn pơ mu cổ thụ nhưng đã bị chặt làm nhà từ thế hệ cha ông rồi. Và khi anh Sáy đặt nhát cuốc đầu tiên để trồng pơ mu thì lúc đó chỉ là những quả đồi đầy cỏ gianh, không còn bóng dáng cây pơ mu nào…
Bên ấm chè Tà Xùa hương thơm ngào ngạt, một trong những sản vật đặc trưng của vùng cao Tà Xùa, anh Sáy bảo: Cách đây hơn 20 năm, mình cũng từng theo cha ông vào rừng hạ pơ mu về làm nhà. Khi đó, thấy bà con chặt hạ nhiều quá, lại thấy xót. Lúc đó cũng có thắc mắc với mọi người thì chỉ thấy người lớn giải thích “đồng bào vùng cao chỉ làm nhà bằng gỗ pơ mu, cây pơ mu sinh ra chỉ để cho người Mông làm nhà”. Lúc đó mình bảo sao không lấy hạt về trồng, bởi nếu chặt hạ thế này thì sau sẽ không còn pơ mu thì chỉ nhận được sự cười chê cùng ánh mắt hoài nghi của mọi người…
Rót ấm chè mời chúng tôi, anh Lù A Sáy, kể tiếp: Cũng bởi xót cho những cánh rừng pơ mu, mình còn về bảo gia đình và hàng xóm đừng làm nhà bằng gỗ pơ mu nữa thì chỉ nhận được những lời mắng nhiếc, cười nhạo. Thế rồi, từ khi đó mình mới trực tiếp vào rừng để lấy hạt, nhưng mà vào trong đó thì không may lại mưa, sương mù nặng không tìm được hạt, nên đã vào bản Háng Đồng A, xã Háng Đồng xin ngủ nhờ nhà ông Thào A Lù. Khi đó có cả ông Thào A Chống cũng ở đó, cả 2 ông đều là người già nhất ở bản và cũng là người đầu tiên chuyển về đấy ở. Lúc ăn cơm, nghe mình bảo sẽ vào rừng lấy hạt pơ mu về trồng thì các ông cười phá lên: “Đố Sáy đi lấy được hạt về trồng đấy” và các ông còn thách “Nếu Sáy trồng được pơ mu từ hạt ở rừng thì các già này sẽ không ăn cơm nữa”. Nghe vậy mình không nản, sáng hôm sau vẫn vào rừng tìm hạt về trồng. Tuy nhiên, hết lần này đến lần khác, đều thất bại, thậm chí có những lúc cũng định bỏ cuộc nhưng cứ nghĩ đến hình ảnh những cánh rừng pơ mu đang ngày đêm bị chặt hạ lại càng quyết tâm hơn…
Thành quả từ sự nhẫn nại
Trong mạch kể say sưa về quãng thời gian ươm giống pơ mu, anh Lù A Sáy bảo: Làm việc gì cũng thế thôi. Nếu mình không thực sự quyết tâm, yêu nó thì khó có thể thành công. Do vậy, sau những thất bại và bị mọi người cười nhạo không biết bao nhiêu lần, nhưng mình vẫn quyết tâm vào rừng tìm hạt pơ mu về ươm trồng. Vì mình nghĩ đơn giản khi hạt rơi xuống đất vẫn mọc được cây bé thì không lý gì không ươm được, chỉ là mình chưa làm đúng cách thôi. Nghĩ như thế nên mình càng quyết tâm hơn. Thậm chí đến bố mẹ mình khi đó cũng bị mình thuyết phục về ý nghĩa của việc trồng pơ mu và đã chuyển sang ủng hộ mình. Bởi nếu trồng pơ mu để tính lợi về mặt kinh tế thì khó lắm, mình tính cho tương lai, cho con cháu sau này. Chỉ e sau này, con cháu mình không biết cây pơ mu như nào…
Bằng sự quyết tâm, nhẫn nại và yêu rừng, không biết đó là lần thứ bao nhiêu, chỉ biết rằng đó là thời điểm tháng 9 năm 1996, những hạt giống pơ mu được Lù A Sáy mang từ rừng về đã nảy mầm ở khoảnh đất sau nhà, bùng cháy thêm ngọn lửa “vá lại những cánh rừng” đang nhen nhóm trong đầu Sáy. Sau khi hạt pơ mu nảy mầm và những cây pơ mu đầu tiên phát triển trên chính những quả đồi trơ trọi, toàn cỏ gianh thì lúc đó người dân trong vùng mới tin lời anh Sáy. Thậm chí, có những người tận các bản, xã bên còn đi bộ đến nhà anh xem cây pơ mu được ươm bằng hạt mang từ rừng về…
Như để minh chứng thành quả đạt được, anh Sáy đã trực tiếp đưa chúng tôi thăm quan gần 5ha từng là những quả đồi trọc, không một bóng dáng cây pơ mu thì nay đã bạt ngàn một màu xanh của những thân cây pơ mu cao từ 8m đến hơn 10m, có chu vi từ 25cm đến 40cm. Và để có một cây pơ mu như vậy là cả một quãng thời gian hơn 20 năm anh Lù A Sáy miệt mại vào rừng mang hạt về ươm, trồng và chăm sóc.
Không chỉ ươm và trồng thành công pơ mu mà nhiều người cho là khó hơn lên trời, anh Sáy còn tự ươm được hàng vạn cây pơ mu, trong đó có cả cây Sa mu để phục vụ nhu cầu trồng rừng của các xã vùng cao. Thậm chí, có nhiều người đến đặt vấn đề hỏi mua pơ mu do anh trồng hoặc mua cả quả đồi anh trồng với mục đích lấy gỗ… nhưng anh đã lắc đầu. Vì ngoài mục tiêu phủ xanh đất rừng, anh còn muốn phát triển du lịch cộng đồng bằng chính những diện tích pơ mu do mình trồng.
Tìm hiểu thêm được biết, cấp ủy, chính quyền xã Tà Xùa đã có nghị quyết về việc nhân rộng mô hình trồng cây pơ mu và để phát triển thêm diện tích rừng trên địa bàn, trong đó đặc biệt quan tâm tới mục tiêu phủ xanh đất trống đồi trọc trên địa bàn của xã bằng chính cây pơ mu do anh Lù A Sáy ươm trồng.
Thành quả hơn 20 năm nỗ lực của người thanh niên 18, đôi mươi ngày nào giờ đã thành công khi những cánh rừng một thời bị tàn phá đang được phủ xanh, làm thay đổi được suy nghĩ của người vùng cao khi cho rằng “đồng bào vùng cao chỉ làm nhà bằng gỗ pơ mu, cây pơ mu sinh ra chỉ để cho người Mông làm nhà”... Và trong câu chuyện bộc bạch của mình khi chia tay với chúng tôi cùng một cái bắt tay chắc nịch như một lời hứa với núi ngàn, anh Lù A Sáy sẽ không dừng ở đó. Bởi trước mắt anh sẽ tiếp tục thực hiện mục tiêu của mình là cùng xã vận động bà con khôi phục lại những cánh rừng nguyên sinh giờ chỉ là đồi trọc, khô cằn bằng những diện tích pơ mu…
Không biết đó là lần thứ bao nhiêu, chỉ biết rằng đó là thời điểm tháng 9 năm 1996, những hạt giống pơ mu được Lù A Sáy mang từ rừng về đã nảy mầm ở khoảnh đất sau nhà, bùng cháy thêm ngọn lửa “vá lại những cánh rừng” đang nhen nhóm trong đầu Sáy. Khi ấy, có những người tận các bản, xã bên còn đi bộ đến nhà anh để tận mắt xem cây pơ mu được ươm bằng hạt mang từ rừng về…
QUỐC TUẤN