An cư, lập nghiệp
Hưởng ứng phong trào kinh tế mới, vào tháng 4/1989, 25 hộ dân tộc Tày, Nùng ở các tỉnh miền núi phía Bắc rời quê hương vào định cư tại xã Ealy. Hơn 30 năm ở vùng đất mới, nhờ đất đai phì nhiêu, khí hậu thích hợp và sự cần cù chịu khó làm ăn, cuộc sống của hầu hết những hộ dân di cư đều ổn định, nhà cửa khang trang, mỗi gia đình đều có dăm ba héc ta mía, sầu riêng, cây ăn trái các loại.
Những ngày cuối năm, chúng tôi về xã Ea Ly, gặp được ông Nông Văn Thức, 57 tuổi, dân tộc Tày, sinh sống tại thôn Tân Lập, được nghe ông chia sẻ những câu chuyện từ những ngày đầu dừng chân tại mảnh đất này. Ông Thức chia sẻ, vì cuộc mưu sinh, gia đình tôi phải di cư từ Lạng Sơn vào Phú Yên, đến nay cũng đã hơn 23 năm. Lúc bấy giờ, ở quê chúng tôi đá nhiều hơn đất cuộc sống khổ trăm bề. Nên khi có phong trào di cư vào Nam làm kinh tế mới, nhiều người dân hưởng ứng, chấp nhận xa quê hương, tìm nơi có điều kiện thuận lợi hơn để lập nghiệp.
“Khi mới vào đây, gom tất cả vốn liếng của gia đình cũng chỉ mua được 1 sào đất trồng mía. Thời gian rảnh, mình đi làm thuê để kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống. Thấy mình siêng năng nên được nhiều người thuê. Dần dần tích cóp được ít vốn, tôi vay mượn thêm người thân bạn bè mua mua được 1ha đất trồng mía và trồng xen canh các loại cây ngắn ngày để tăng thêm thu nhập", ông Thức kể.
Ông Thức cho biết, cứ thế, năm này qua năm khác, đến nay gia đình ông đã có được 4ha đất trồng mía, sầu riêng cùng nhiều cây ăn quả khác. Giờ thì gia đình có cuộc sống ổn định, con cái cũng lớn khôn, ăn học đàng hoàng; Ông không còn đi làm thuê nữa mà tập trung sản xuất trên diện tích đất của gia đình, mỗi năm cũng cho thu nhập hơn 300 triệu đồng.
Còn ông Triệu Văn Tân 67 tuổi, người dân tộc Nùng, sống tại thôn Tân Sơn cho hay: Đến vùng đất mới, gia đình rất lo vì trong tay không có gì. Mình đi làm nhiều công việc như phát bãi, thu hoạch mía, sắn… lấy tiền để trang trải cho cuộc sống. Lúc mới vào gia đình chạy ăn từng bữa, cũng đâu có tiền mua đất làm kinh tế.
Sau này, được sự hỗ trợ của các cấp chính quyền địa phương về vay vốn ưu đãi phát triển kinh tế, gia đình mạnh dạn vay tiền mua đất trồng mía và cây ăn quả. Hiện tại gia đình mình có 3,2ha đất trồng mía, mắc ca… Cứ thế, kinh tế dần ổn định và phát triển theo thời gian, đến nay mỗi năm gia đình tôi để ra tầm 200 triệu đồng.
Tại xã Ealy hiện nay, hầu hết các hộ di cư từ phía Bắc vào đều có cuộc sống ổn định. Ông Hoàng Đình Năm, Chủ tịch UBND xã Ea Ly cho biết: Trên địa bàn xã có 6 thôn, buôn, 13 dân tộc anh em đang sinh sống, chiếm 58% dân số. Tính riêng các dân tộc từ phái Bắc di chuyển vào có khoảng 1.700 hộ, chiếm 30%. Những hộ này làm kinh tế rất tốt, luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái hỗ trợ nhau phát triển kinh tế. Chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
“Giữ hồn quê hương” ở vùng đất mới
Mặc dù đã định cư lâu năm ở vùng đất mới, ngoài thời gian làm kinh tế, những người con xa quê luôn giữ lửa, với niềm đam mê nghệ thuật truyền thống và câu hát Then bên cây đàn tính giúp cho họ vơi đi nỗi nhớ quê nhà.
Vì cuộc mưu sinh, gia đình bà Lương Thị Hỷ phải di cư từ Cao Bằng vào Phú Yên, nhưng không vì thế mà bà quên hát Then. Đối với bà, việc gìn giữ và lưu truyền hát Then, như là một cách "giữ hồn quê hương” mình trên vùng đất mới.
Bà bảo, sinh ra và lớn lên ở vùng đất Cao Bằng, từ nhỏ, bà đã nghe các mẹ, các chị hát Then và dần thấm sâu trong tâm hồn mình. Rời quê vào Phú Yên lập nghiệp, hàng chục năm qua, cây đàn tính cùng điệu hát này vẫn theo bà trong những lúc nông nhàn, vào mỗi dịp lễ, Tết. Và rồi tình yêu với hátTthen của bà Hỷ đã lan tỏa đến những người con xa quê, thậm chí người dân địa gốc địa phương, gắn kết họ với nhau, để từ đó CLB Hát then xã Ea Ly ra đời vào năm 2014.
Đến nay, CLB đã có 16 thành viên ở độ tuổi từ 40 - 60, sinh hoạt định kỳ vào tối thứ Bảy, Chủ nhật hàng tuần. Vậy là, cứ khi xong việc nhà, việc đồng áng, đặc biệt là vào những dịp lễ, Tết, các bà, các cô lại cùng nhau hát cho nhau nghe và tập trung ôn luyện các câu ca, điệu nhạc chuẩn bị cho các hoạt động lễ hội của cộng đồng.
Bà Hỷ chia sẻ: Ở Cao Bằng chúng tôi, đá nhiều hơn đất nên cuộc sống cũng rất khó khăn. Thế nhưng nhờ âm thanh đàn tính và lời hát Then vang vọng mà bao nhiêu thế hệ cha ông đã vượt qua nhiều khó khăn để trường tồn và phát triển. Chính vì vậy, khi đi đến vùng đất mới, chúng tôi cũng không quên mang theo món ăn tinh thần này.
Ông Nguyễn Đình Sao, dân tộc Tày, cũng là một người dành tình yêu đặc biệt cho điệu hát Then và cây đàn tính. Ông Sao tâm sự: Ông sinh ra và lớn lên tại tỉnh Lạng Sơn. Từ nhỏ, ông thường xuyên được nghe những lời hát Then của bà, tiếng đàn tính của mẹ. Cứ như vậy, những câu hát và tiếng đàn theo ông lớn dần và ngấm vào máu thịt.
“Tôi vào xã Ea Ly lập nghiệp cũng được 31 năm rồi. Sau khi làm xong công việc, hễ có thời gian rảnh là tôi lại ngân nga những câu then và say cùng âm điệu của cây đàn tính”, ông Sao chia sẻ thêm.
Là một người dành tình yêu lớn cho hát Then, hơn ai hết, ông Sao hiểu rằng, nếu không có người giữ lửa và trao truyền thì sẽ bị mai một. Chính vì thế, ông dành nhiều thời gian chỉ dạy các học viên trong CLB hát Then. Theo ông Sao, để có thể hát Then đúng điệu cần khá nhiều thời gian và công sức luyện tập. Muốn học hát Then phải thật sự đam mê nó, người học phải mắt thấy, tai nghe, tay sờ, cảm nhận
Ông Phan Ngọc Cường, Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh - Truyền hình huyện Sông Hinh cho hay: Giữa cuộc sống hiện đại, với nhiều dòng nhạc và nhạc cụ được du nhập mạnh mẽ, những việc làm của bà Lương Thị Hỷ, ông Nguyễn Đình Sao đang góp phần không nhỏ vào việc bảo tồn và gìn giữ giá trị văn hóa dân tộc, nhất là việc lưu giữ những làn điệu hát Then với cây đàn tính trên quê mới.
Thực hiện Dự án 6, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, huyện Sông Hinh đã xây dựng Đề án bảo tồn và phát huy nghệ thuật truyền thống, gắn với phát triển du lịch. Tiếp tục tuyên truyền và cùng chung tay với xã Ea Ly duy trì, nhân rộng, để hát Then, đàn tính đến được với nhiều người hơn, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho Câu lạc bộ hát Then đi lưu diễn nhiều nơi, hỗ trợ về chi phí đi lại, may trang phục và mua đàn tính để bà con có động lực gìn giữ nét văn hoá truyền thống độc đáo của dân tộc.