Là xã có đông đồng bào Khmer sinh sống, ngoài trồng lúa, xã Ngọc Chúc, huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang còn nổi tiếng với nghề trồng nấm rơm. Tuy nhiên, trước đây bà con thường trồng nấm rơm theo hộ gia đình, nhỏ lẻ, phương thức sản xuất chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, nên năng suất và hiệu quả mang lại chưa cao. Từ khi tham gia Tổ hợp tác trồng nấm rơm, bà con rất phấn khởi vì được hỗ trợ vốn, được tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật. Từ đó, lợi nhuận trồng nấm rơm thu về cao hơn nhiều so với phương thức trồng nấm rơm theo hộ gia đình, nhỏ lẻ.
Để phát huy thế mạnh làng nghề trồng nấm rơm của địa phương theo hướng bền vững, an toàn vệ sinh thực phẩm. Bà Trần Thị Mộng Tưởng, chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Giồng Riềng cho biết: “Năm 2020 Hội Liên hiệp Phụ Nữ xã Ngọc Chúc, đã vận động bà con thành lập Tổ hợp tác trồng nấm rơm, ban đầu có 10 thành viên tham gia. Cùng với đó Hội Liên hiệp Phụ Nữ huyện vận động tổ chức VNHELP là một tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Mỹ chuyên thực hiện các dự án nhân đạo và phát triển cho các cộng đồng gặp nhiều khó khăn tại Việt Nam viện trợ 100 triệu đồng, đây là nguồn vốn tài trợ không hoàn lại, kịp thời hỗ trợ cho 10 thành viên trong Tổ hợp tác trồng nấm rơm. Kết quả sau hơn 01 năm thành lập Tổ hợp tác đã sản xuất 03 đợt trồng nấm rơm, với giá bán giao động từ 30 đến 50 nghìn đồng/kg, tổ thu về gần 200 triệu đồng lợi nhuận. Tổ chức VNHELP đánh giá cao về hiệu quả sử dụng vốn viện trợ và tiếp tục hỗ trợ vốn không hoàn lại đợt 2 là 150 triệu đồng cho 15 thành viên mới tham gia Tổ hợp tác”.
Theo quy chế của Tổ hợp tác, các thành viên sau khi nhận vốn tài trợ của tổ chức VNHELP sau khi kết thúc vụ trồng nấm sẽ trích nộp vào quỹ ủng hộ vốn cho thành viên mới, mỗi người là 2 triệu đồng và 10 thành viên ban đầu cũng đã nộp 20 triệu đồng, hỗ trợ được thêm 02 thành viên mới. Nhờ vậy mà số thành viên tham gia Tổ hợp tác đến nay đã tăng lên là 27 thành viên.
“Tôi là thành viên mới của Tổ hợp tác, gia đình thuộc hộ khó khăn, hôm nay tôi được nhận được 10 triệu đồng, tiền tài trợ vốn của tổ chức VNHLEP, tôi mừng lắm, từ nay tôi sẽ mở rộng thêm diện tích trồng nấm rơm”, bà Thị Út, ngụ ấp Ngọc Bình nói.
Cùng ngụ ấp Ngọc Bình, chị Thị Ngọc Mai, cho biết: “Từ khi tham gia Tổ hợp tác, ngoài việc nhận tiền tài trợ vốn, còn được tập huấn về kỹ thuật trồng nấm theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm, được Tổ hợp tác quản lý, cung cấp nguồn nguyên liệu đầu vào đạt chất lượng với giá thành thấp hơn so với sản xuất nhỏ lẻ trước đây. Bên cạnh đó các thành viên trong Tổ hợp tác còn được hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm”.
Trong những năm qua, Tổ hợp tác trồng nấm rơm ấp Ngọc Bình đã tổ chức gần 10 buổi tập huấn, dạy nghề cho các hộ thành viên và nhiều nông dân trong và ngoài ấp. Sau khi học nghề, hầu hết các học viên đều nắm vững kiến thức cơ bản về trồng nấm theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, đủ khả năng chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại… Theo đó, nếu không làm việc tại Tổ hợp tác, các học viên có thể tự tin mở cơ sở trồng nấm tại nhà.
Anh Danh Đầy, tổ trưởng Tổ hợp tác trồng nấm rơm ấp Ngọc Bình chia sẻ: “Được sự quan tâm của các cấp chính quyền và Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp, đã tạo điều kiện thành lập được Tổ hợp tác trồng nấm rơm, bà con đồng bào dân tộc Khmer xã Ngọc Chúc phấn khởi lắm vì công việc trồng nấm rơm hiện nay đã có máy móc hỗ trợ, bà con khoẻ hơn trước nhiều, công việc lại ổn định, thu nhập ngày được tăng lên”.
Từ định hướng chuyển đổi phương thức sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất theo mô hình Tổ hợp tác, đồng thời được chính quyền xã Ngọc Chúc và hội Liên hiệp phụ nữ huyện Giồng Riềng tạo điều kiện tiếp cận nhiều chính sách ưu đãi về vốn, khoa học, kỹ thuật… đã giúp Tổ hợp tác trồng nấm rơm đồng bào Khmer ấp Ngọc Bình xã Ngọc Chúc phát huy hiệu quả. Đến nay, nhiều hộ gia đình đồng bào dân tộc Khmer vươn lên khá giả, hăng hái thi đua lao động sản xuất...
Mô hình trồng nấm rơm ở xã Ngọc Chúc, huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang nhiều năm qua mang lại hiệu quả kinh tế ổn định cho người dân Khmer nơi đây. Một vụ nấm dài khoảng 34 - 35 ngày, bình quân có thể làm 10 vụ nấm rơm/năm. Hiện giá nấm rơm là 50.000 đồng/kg, doanh thu đạt được 25 triệu đồng/vụ, trừ các chi phí người dân có lãi khoảng hơn 10 triệu đồng/vụ. UBND xã Ngọc Chúc có kế hoạch đưa nấm rơm trở thành sản phẩm đặc trưng của địa phương theo chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của Chính phủ.