Đề án được triển khai với quy mô 5.611 ha cà phê tại 7 địa phương gồm: Đak Đoa, Chư Sê, Chư Prông, Đức Cơ, Ia Grai, Chư Păh và Pleiku. Tổng nhu cầu kinh phí thực hiện đề án là 490,435 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương 140,428 tỷ đồng, ngân sách địa phương 54,368 tỷ đồng; vốn đối ứng hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp 250,639 tỷ đồng; vốn tín dụng, vốn khác 45 tỷ đồng.
Kế hoạch đề ra mục tiêu cụ thể đến năm 2025 là hình thành vùng nguyên liệu cà phê đạt chuẩn, quy mô tập trung với diện tích trên 5.611 ha và các chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm cà phê giữa các doanh nghiệp, HTX và nông dân. Giảm chi phí đầu vào sản xuất 5 - 10% cho các thành viên HTX và người nông dân; giảm tổn thất sau thu hoạch 5 - 10% số nguyên liệu và tăng giá trị khoảng trên 10%. Qua đó, tăng thu nhập 5 - 10% cho thành viên HTX và người nông dân.
Bên cạnh đó, tăng cường năng lực cho ít nhất 12 HTX nông nghiệp trong vùng nguyên liệu cà phê; giúp nâng cao khả năng điều hành và tổ chức sản xuất của các HTX, thay đổi tập quán sản xuất manh mún, nhỏ lẻ sang phát triển kinh tế tập thể và nâng cao giá trị của chuỗi nông sản theo hướng kinh tế tuần hoàn, OCOP xanh gắn với vùng nguyên liệu ổn định. Phát triển cơ sở hạ tầng vùng nguyên liệu phục vụ sản xuất, bảo quản, chế biến và thương mại sản phẩm cho các HTX và doanh nghiệp liên kết tiêu thụ. Thí điểm hình thành 10 tổ khuyến nông cộng đồng và tổ chức các lớp tập huấn tư vấn phát triển HTX, kết nối thị trường.
Đồng thời, áp dụng phần mềm quản lý sản xuất vùng nguyên liệu cà phê chất lượng cao, số hóa thông tin, cơ sở dữ liệu vùng nguyên liệu phục vụ truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Xây dựng 1 trung tâm Logistics chuỗi cà phê tỉnh Gia Lai; Phát triển chuỗi giá trị sản phẩm OCOP gắn với vùng nguyên liệu địa phương, phát triển chế biến quy mô nhỏ và vừa theo hướng kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ... để phù hợp với mục tiêu chung tạo ra sản phẩm tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.