Cây dâu tây và các cây trồng có giá trị kinh tế cao đang dần thay thế những cây trồng truyền thống như ngô, lúaHuyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu hiện có 11 Hợp tác xã thanh niên với 112 thành viên. Có được kết quả này, những năm qua tổ chức Đoàn các cấp đã tích cực tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương tạo điều kiện, tập trung nguồn lực, kinh phí hỗ trợ đảng viên trẻ, đoàn viên thành niên khởi nghiệp, lập nghiệp thông qua các lớp dạy nghề, tư vấn kỹ thuật, tìm đầu ra cho sản phẩm.
Theo đó, hằng năm, huyện tư vấn hướng nghiệp cho hàng trăm thanh niên vay vốn khởi nghiệp từ nguồn ủy thác của ngân hàng, Trung ương đoàn để phát triển mô hình kinh tế; giới thiệu việc làm cho thanh niên; vận động, kết nối, trao nguồn vốn vay khởi nghiệp cho ý tưởng xuất sắc, có tính khả thi cao.
Là đảng viên trẻ đang sinh hoạt ở Chi bộ bản Đông, xã Mường Than, huyện Than Uyên; anh Lò Văn Vượng đã nắm bắt cơ hội khi tỉnh, huyện có các chính sách hỗ trợ, khuyến khích đầu tư vào sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Từ đó, anh Vượng đã tích cực tìm tòi, học hỏi, mạnh dạn đưa các loại giống, cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao vào sản xuất.
“Hiện nay, gia đình tôi có 1,2ha dâu tây, 400 cây mận. Ngoài ra, tôi còn trồng bưởi xen canh ổi, măng sặt dưới tán rừng, hơn 1.000m2 ớt chỉ thiên. Cùng với đó, gia đình cũng đầu tư chuồng trại, phát triển chăn nuôi với 20 con lợn nái... Trừ chi phí, mỗi năm gia đình tôi thu nhập khoảng 300 triệu đồng, tạo việc làm cho 4 lao động là người địa phương với mức lương 4,5 triệu đồng/tháng”, anh Vượng cho biết.
Mô hình kinh tế của gia đinh anh Lò Văn Vượng mỗi năm cho thu nhập khoảng 300 triệu đồngLựa chọn khai thác thế mạnh của địa phương là thịt sấy gác bếp để khởi nghiệp từ năm 2011; đến nay, cơ sở của chị Phan Thị Huyền ở khu 5A, thị trấn Than Uyên đã phát triển với quy mô tương đối lớn và đã có thương hiệu. Sản phẩm “thịt trâu gác bếp Nhà Huyền” đã đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh; cùng với thịt lợn gác bếp, nhiều sản phẩm của nhà chị Huyền như ba chỉ hun khói, lạp sườn hun khói, bò khô cũng được khách hàng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng tìm đến đặt hàng. Tính ra, mỗi năm gia đình chị Huyền có thu nhập gần 400 triệu đồng.
“Gia đình tôi đang dự định sẽ mở rộng thêm quy mô nhà xưởng, lò sấy liên kết với các đoàn viên thanh niên phát triển bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội, hướng dẫn họ trực tiếp tham gia vào sản xuất, tăng thêm thu nhập. Chúng tôi sẽ chủ động và tích cực tham gia các hội nghị xúc tiến thương mại, hội chợ, gian hàng ở các tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Hưng Yên, Quảng Ninh... để quảng bá các sản phẩm”, chị Huyền cho biết thêm.
Không chỉ làm giàu cho bản thân, anh Vượng còn chủ động tư vấn hướng dẫn cho bà con Nhân dân trong bản, trong xã học tập làm theo từng bước vươn lên xóa đói giảm nghèoAnh Đỗ Văn Tuấn, Bí thư Huyện đoàn Than Uyên cho biết: Với tinh thần tiên phong, dám nghĩ, dám làm những đảng viên trẻ trên địa bàn huyện trong những năm qua luôn là tấm gương tiêu biểu để các đoàn viên thanh niên học tập và noi theo. Nhiều mô hình phát triển kinh tế của đoàn viên thanh niên đã khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương để đi lên như mô hình trồng chè theo tiêu chuẩn VietGap của anh Mùa A Páo ở bản Hô Ta, xã Tà Mung.
Với việc tuân thủ kỹ thuật và quy trình chăm sóc mới, diện tích chè của gia đình anh Páo cho giá trị kinh tế tăng gấp 3 lần so với cách chăm sóc truyền thống. Từ khi chuyển sang mô hình này, mỗi tháng trừ chi phí, gia đình anh thu nhập trên 11 triệu đồng.
Huyện Than Uyên là một trong những địa phương của tỉnh Lai Châu có nhiều mô hình phát triển kinh tế do các đảng viên trẻ làm chủ. Từ các mô hình này đã tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động là người địa phương.
Với sự nhiệt huyết của tuổi trẻ, những đồng đất trước đây chỉ trồng cây ngô, cây lúa thì nay đã được phủ xanh bởi những cây trồng mới có giá trị kinh tế như dâu tây, ớt. Đây cũng là động lực để bà con Nhân dân các dân tộc trong huyện nói chung, đoàn viên thanh niên nói riêng học tập để vươn lên làm giàu, xây dựng quên hương ngày càng giàu đẹp.