Vừ Thị Hà, cô gái người Mông 25 tuổi trở thành biểu tượng cho sự mạnh mẽ, kiên cường của người phụ nữ nơi vùng caoCâu chuyện của chị Vừ Thị Hà, ở tại thôn Vần Chải B, xã Vần Chải, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, bắt đầu từ ngày Hà quyết định không chỉ là một cô gái Mông chăm con, làm nương mà còn muốn thay đổi số phận. Sau khi tốt nghiệp lớp 12 và kết hôn, Hà cảm thấy cuộc sống của mình đã đi theo lối mòn như bao phụ nữ khác trong thôn. Nhưng một lần tình cờ, khi tiếp xúc với khách du lịch, Hà nhận ra rằng văn hóa dệt của dân tộc mình có thể trở thành điểm khác biệt để khởi nghiệp.
Với vai trò là Tổ trưởng Tổ hợp tác thêu dệt thổ cẩm của thôn Vần Chải B, Hà phải đối diện với hàng loạt thử thách lớn lao. Với tư duy sáng tạo và kiên định, cô bắt đầu nghĩ cách làm mới những sản phẩm truyền thống. Cô kết hợp kỹ thuật thêu dệt lanh truyền thống với những hình ảnh độc đáo, như người phụ nữ Mông làm nương, cậu bé thổi sáo giữa núi đồi. Các chị em trong thôn còn tạo ra các họa tiết bằng sáp ong trên tấm vải lanh, biến những sản phẩm thủ công thành những tác phẩm nghệ thuật độc đáo, vừa giữ được nét truyền thống, vừa mang hơi thở mới.
Để có thể giao tiếp với khách nước ngoài, Hà tự mày mò học tiếng Anh. Đầu tiên là những từ ngữ đơn giản học từ du khách, sau đó là từ các phần mềm miễn phí trên mạng, cho tới nay, Hà đã có thể giao tiếp trôi chảy bằng tiếng Anh. Đó là nỗ lực phi thường của một người phụ nữ quanh năm gắn bó với nương rẫy, giao tiếp chủ yếu bằng tiếng dân tộc mình tại một thôn nghèo vùng cao Hà Giang. Vừ Thị Hà đoạt giải Nhất cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh” khu vực miền Bắc năm 2024. Không chỉ giải quyết việc làm cho phụ nữ địa phương, chị đã truyền cảm hứng về sự mạnh mẽ vươn lên trong cuộc sống làm chủ vận mệnh của mình.
Cô gái dân tộc Mường Nguyễn Thị Thu Hoa khởi nghiệp với thương hiệu thịt chua Trường FoodGiống chị Vừ Thị Hà, hiện trên cả nước có hàng nghìn gương phụ nữ người DTTS đã chủ động, vượt qua những rào cản về ngôn ngữ, văn hóa và điều kiện sống để vươn lên trong các lĩnh vực của đời sống xã hội. Họ không chỉ làm nông nghiệp mà còn tham gia vào nhiều ngành nghề khác nhau. Không ít chị em đã tiên phong khởi nghiệp, phát triển các mô hình kinh tế gắn liền với bản sắc văn hóa dân tộc, như sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, du lịch cộng đồng, vừa tạo sinh kế bền vững cho chị em địa phương, vừa góp phần tích cực bảo tồn giá trị truyền thống.
Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Bùi Thị Hòa (áo xanh) và Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hòa Bình tham quan hàng của phụ nữ DTTS huyện Mai ChâuVận dụng hiệu quả những chính sách hỗ trợ của Nhà nước, phụ nữ DTTS đã nỗ lực vượt khó, khẳng định vai trò của mình. Nhiều dự án khởi nghiệp của phụ nữ DTTS thành công từ ý tưởng sáng tạo, bứt phá, tiên phong và đã tạo nên thương hiệu, tạo hiệu ứng lan toả tinh thần vươn lên trong cuộc sống cho phụ nữ địa phương. Tinh thần chủ động vươn lên của phụ nữ DTTS không chỉ là câu chuyện của riêng họ, mà còn là bài học quý giá về sự kiên trì, bản lĩnh và khát vọng thay đổi. Họ chính là minh chứng cho việc hoàn cảnh không quyết định số phận, mà chính ý chí và sự chủ động mới là chìa khóa dẫn đến thành công.