Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), năm 2024, ngành NN&PTNT gặp muôn vàn khó khăn trước tác động của El Nino, hạn hán xâm nhập mặn diễn biến phức tạp ở phía Nam, bão lũ ở miền Bắc, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát, rào cản của thị trường xuất khẩu ngày càng khắt khe…
Để chủ động ứng phó, nỗ lực thực hiện nhiệm vụ kép “vừa ứng phó biến động thiên tai vừa tổ chức sản xuất”, Bộ NN&PTNT đã chủ động phối hợp với các địa phương chỉ đạo điều chỉnh kế hoạch sản xuất, cơ cấu mùa vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cơ cấu giống phù hợp với diễn biến thời tiết và tín hiệu thị trường, bảo đảm hạn chế tối đa thiệt hại do thiên tai, mưa bão, dịch bệnh.
Điển hình là Bộ NN&PTNT chỉ đạo linh hoạt chuyển đổi khoảng 116 nghìn ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng rau, cây ăn quả, cây công nghiệp, nuôi trồng thủy sản có hiệu quả kinh tế cao hơn. Giúp giá trị 1 ha đất trồng trọt năm 2024 ước đạt 127 triệu đồng, tăng 7,4 % so với năm 2023. Chủ động, linh hoạt điều chỉnh cơ cấu mùa vụ, điều chỉnh lịch sản xuất giúp các địa phương sẵn sàng ứng phó với tình trạng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, nhất là ở Đồng bằng sông Cửu Long và miền Trung, Tây Nguyên.
Nhờ đó, ngành NN&PTNT đạt nhiều thành tựu lớn, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Như tại lĩnh vực trồng trọt, sản lượng năm 2024 đạt 48,1 triệu tấn sản lượng lương thực có hạt, 43,7 triệu tấn sản lượng lúa (năng suất 61,4 tạ/ha). Sản lượng một số cây trồng chủ lực tăng cao như sầu riêng (1,45 triệu tấn), thanh long (1,35 triệu tấn), cao su (1,37 triệu tấn), cà phê (1,95 triệu tấn)… Lĩnh vực chăn nuôi đạt 8,1 triệu tấn thịt hơi các loại, 1,2 triệu tấn sữa, 19,7 tỷ quả trứng…
Đặc biệt Đề án “Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” bước đầu đạt hiệu quả tích cực. Các mô hình thí điểm giúp giảm 20 - 30% chi phí vật tư đầu vào, tăng 10% năng suất, tăng 20 - 25% thu nhập, giảm từ 5 - 6 tấn CO2/ha.
Sản lượng thủy sản năm 2024 ước đạt 9,6 triệu tấn. Lâm nghiệp có diện tích rừng trồng tập trung ước khoảng 282 nghìn ha, tăng 0,2% và 130 triệu cây phân tán; sản lượng gỗ khai thác từ rừng trồng ước đạt 22,88 triệu m3, tăng 9,8%. Diêm nghiệp năm 2024 đạt diện tích sản xuất muối hơn 10,872 nghìn ha, sản lượng khoảng 1.100 nghìn tấn, tăng 23,6%.
Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản toàn ngành ước đạt mức cao kỷ lục 62,5 tỷ USD (tăng 18,7% so với năm 2023), xuất siêu đạt mức kỷ lục 17,9 tỷ USD (tăng 46,8% so với năm 2023). Có 7 mặt hàng/nhóm mặt hàng có giá trị xuất khẩu trên 3 tỷ USD gồm: Gỗ và sản phẩm gỗ 16,2 tỷ USD, rau quả 7,12 tỷ USD, gạo 5,75 tỷ USD, cà phê 5,48 tỷ USD, hạt điều 4,38 tỷ USD, tôm 3,86 tỷ USD, cao su 3,46 tỷ USD. Kỷ lục xuất siêu của ngành NN&PTNT càng thêm ý nghĩa đối với nền kinh tế đất nước trong một năm nhiều khó khăn (xuất siêu cả nước chỉ 25 tỷ USD).
Năm 2024, ngành NN&PTNT đã tổ chức xây dựng 2.500 chuỗi giá trị cung ứng nông sản được thiết lập duy trì, 322.497 ha cây trồng, 11.054 ha nuôi trồng thủy sản, 4.170 trang trại và hộ chăn nuôi được chứng nhận VietGAHP… Công tác quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm hàng nông sản tiếp tục được tăng cường, lòng tin của người dân vào nông sản trong nước ngày càng tăng.
Nhờ tư duy sáng tạo, linh hoạt, đổi mới và đột phá, năm 2024 ngành NN&PTNT đã thu hút thêm 1.500 doanh nghiệp được thành lập mới, nâng tổng số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp lên khoảng 17.300, tăng 7,5% so với năm 2023. Bên cạnh đó, một số tập đoàn, doanh nghiệp lớn tiếp tục gia tăng đầu tư vào nông nghiệp. Đến hết năm 2024, cả nước có 101 Liên hiệp, 21.700 Hợp tác xã nông nghiệp (tăng 1.200 Hợp tác xã so với năm 2023).
Về xây dựng nông thôn mới, tính đến cuối năm 2024 cả nước có khoảng 79 - 79,5% xã đạt chuẩn nông thôn mới. Có 5 tỉnh gồm Nam Định, Đồng Nai, Hà Nam, Hưng Yên và Hải Dương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới…
Cùng với đó Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tiếp tục được các địa phương triển khai đồng bộ, rộng khắp, trở thành một giải pháp được ưu tiên trong phát triển kinh tế nông thôn. Cả nước có trên 14.642 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên (tăng 3.586 sản phẩm so với năm 2023) trong đó 73,2% sản phẩm 3 sao, 23,5% sản phẩm 4 sao, 51 sản phẩm 5 sao, còn lại là tiềm năng 5 sao; có 8.086 chủ thể OCOP, trong đó có 32,7% là HTX, 24,1% là doanh nghiệp nhỏ, 42,7% là cơ sở sản xuất/hộ kinh doanh, còn lại là tổ hợp tác…