Khai thác đúng hướng
Sì Thâu Chải cách thị trấn Tam Đường khoảng 6km, với hơn 60 hộ dân là người Dao sinh sống. Từ đặc thù địa lý, ưu đãi của thiên nhiên đã tạo nên vùng đất với những cánh đồng rộng thênh thang, trải dài lượn mềm mại từ 4 bề lưng núi xuống thung lũng. Khí hậu nơi đây luôn mát mẻ, trong lành, con thác Tác Tình đổ trắng xóa khiến cho du khách luôn phải tò mò ngắm nhìn…; Đặc biệt, vào thời điểm mùa Xuân, mùa Hạ nếu lên Sì Thâu Chải, du khách có thể đi vào những cánh rừng để thưởng thức ngắm hoa đào, hoa mận.
Không chỉ thu hút khách bởi cảnh đẹp của tạo hóa, bản Sì Thâu Chải còn là nơi lưu giữ nhiều phong tục tập quán, giá trị văn hóa độc đáo của người Dao. Tới đây, du khách sẽ được trải nghiệm cùng đồng bào Dao trong Lễ hội Cấp sắc, Lễ Nhảy lửa; thưởng thức ẩm thực của người vùng cao ngay trong chính không gian văn hóa cộng đồng, dưới những ngôi nhà gỗ hàng trăm tuổi.
Năm 2018, huyện Tam Đường đón gần 40 ngàn lượt khách du lịch, trong đó riêng bản Sì Thâu Chải đón 11.230 lượt. Sì Thâu Chải là một trong những điểm nhấn trong hệ thống các điểm đến du lịch cộng đồng, du lịch khám phá tại Lai Châu.
Dù đồng bào Dao nơi đây mới tiếp cận cách làm du lịch cộng đồng, nhưng đã tạo được ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách. Anh Lù A Nghi, Trưởng bản Sì Thâu Chải cho biết, trong bản hiện đang có 6 hộ dân đón khách lưu trú dưới hình thức homestay. Ngay từ những ngày đầu, dân bản đã họp và thống nhất tất cả các hộ đều đồng lòng xây dựng bản văn hóa du lịch, cùng chỉnh trang nhà cửa, chuồng nuôi gia súc, có ý thức giữ gìn vệ sinh chung, tạo cảnh quan sạch đẹp cho thôn bản. Đặc biệt, các hộ dân cùng nhau xây dựng những không gian sinh hoạt chung như chòi ngắm cảnh, bàn ghế đá ngoài trời ở các khu vực chung để người dân và du khách nghỉ ngơi… Chính vì vậy, chỉ sau một thời gian không lâu, bản đã có được cảnh quan sạch đẹp, vệ sinh, du khách đến thăm bản được người dân chào đón cởi mở và thân thiện.
Hướng thoát nghèo bền vững
Đồng hành cùng người dân, năm 2015, chính quyền huyện đã đầu tư, mở rộng, nâng cấp và rải nhựa con đường mòn cũ lên bản Sì Thâu Chải tạo điều kiện đi lại trở nên thuận lợi hơn. Người Dao ở bản Sì Thâu Chải đã bắt đầu có tư duy làm du lịch tiến bộ, sẵn sàng góp thêm tiền cùng với sự hỗ trợ của chính quyền làm đường lát đá, đường bê tông trong thôn. Bà con tự phân công nhau, tổ chức thành từng tổ nhóm để vệ sinh sạch sẽ. Một số doanh nghiệp du lịch cũng tìm đến, kết hợp cùng người dân đầu tư nâng cấp nhà cửa, cơ sở hạ tầng sinh hoạt để đón khách lưu trú.
Anh Tẩn A Diêu, chủ một gia đình làm homestay của bản thông tin: “Tuần nào gia đình anh cũng đón 2-3 đoàn khách, cuối tuần thì đông hơn; thêm việc phục vụ ăn uống cho khách nên thu nhập cũng tốt hơn nhiều so với những năm trước kia”.
Những hộ gia đình kinh doanh dịch vụ homestay ở Sì Thâu Chải cho biết, lượng khách du lịch đến lưu trú rất ổn định. Với mỗi người lưu trú, bà con thu 70.000 đồng/người/đêm; phục vụ ăn uống món ăn đặc sản địa phương từ 400.000 đồng-700.000 đồng/mâm, mỗi mâm cũng có lãi 50.000đồng-100.000 đồng. Nhờ thế, kinh tế các hộ được cải thiện, chất lượng cuộc sống của nhiều bà con người Dao ở Sì Thâu Chải được nâng cao.
Năm 2018, bản Sì Thâu Chải đón hơn 11.000 khách, trong đó có hơn 700 khách nghỉ lại qua đêm tại các gia đình làm homestay. Nhiều gia đình không làm homestay, nhưng do sân vườn rộng, vẫn được hưởng lợi từ khai thác du lịch qua việc phục vụ ăn trưa, ăn tối và lửa trại đêm cho du khách, bởi vậy, dân bản rất đoàn kết, nhắc nhở nhau có ý thức xây dựng thôn bản sạch đẹp, văn minh để làm du lịch lâu dài.
Hiện nay, huyện Tam Đường đang tăng cường liên kết với các câu lạc bộ dù lượn, tổ chức bay dù hằng năm vào các dịp lễ hội ở địa phương, qua đó quảng bá thêm hình ảnh về con người, cảnh vật, bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào Dao nơi đây, thu hút khách đến với địa phương ngày một nhiều hơn.
HỒNG PHÚC